Chủ động tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh Ebola (12/08/2014)
|
Sử dụng máy đo thân nhiệt tia hồng ngoại nhằm kiểm soát dịch bệnh ở sân bay Nội Bài Ảnh:TTXVN |
- Xin BS cho biết rõ hơn về đặc điểm, tình hình dịch bệnh Ebola hiện nay?
- Bệnh do vi rút Ebola (sốt xuất huyết do vi rút Ebola) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm (bệnh truyền nhiễm nhóm A) có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao (có thể tới 90%). Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, cơ quan, tổ chức cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh. Các loài tinh tinh, vượn người, khỉ rừng, linh dương và nhím châu Phi có thể là ổ chứa vi rút và có khả năng lây sang người hoặc người bệnh và người mang vi rút tiềm ẩn cũng có vai trò là nguồn truyền nhiễm trong chu trình lây giữa người - người.
Vụ dịch đầu tiên được ghi nhận vào năm 1976 tại Sudan với hơn 600 trường hợp mắc. Từ đó đến nay dịch đã xảy ra tại 11 quốc gia châu Phi. Đặc biệt từ tháng 3-2014 đến ngày 1-8-2014 thế giới đã ghi nhận 1.603 trường hợp mắc bao gồm 887 trường hợp tại 4 nước Guinea (485 mắc/358 tử vong) Liberia (468 mắc/255 tử vong), Nigeria (4 mắc/1 tử vong) và Sierra Leone (646 mắc/273 tử vong).
Người mắc bệnh do vi rút Ebola có triệu chứng của nhiễm vi rút cấp tính, khởi phát đột ngột với sốt cao kéo dài, đau đầu, đau cơ vùng bụng và ngực, viêm họng, nôn hoặc buồn nôn, tiêu chảy cấp, xuất huyết da niêm mạc (dấu hiệu dây thắt, ban xuất huyết hoặc dát sần, chảy máu cam) và xuất huyết phủ tạng (nôn, đi cầu ra máu...). Thể nặng điển hình thường có tổn thương gan, suy thận, viêm tổ chức não; có thể suy đa phủ tạng, tràn dịch màng phổi và sốc. Một số trường hợp người bệnh nhiễm vi rút Ebola có biểu hiện lâm sàng không điển hình cần được chẩn đoán phân biệt với một số nhiễm vi rút gây xuất huyết, bệnh sốt vàng, bệnh sốt tây sông Nin, bệnh sốt xuất huyết. Đến nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh.
Bệnh do vi rút Ebola chưa từng được ghi nhận tại Việt Nam, tuy nhiên đây là bệnh dịch rất nguy hiểm gây quan ngại lớn đối với cộng đồng quốc tế.
- Người mắc bệnh Ebola có những triệu chứng nào, thưa BS?
- Thời gian ủ bệnh trung bình là 2 - 21 ngày. Các triệu chứng thường gặp bao gồm: sốt cấp tính; đau đầu, đau mỏi cơ; nôn/buồn nôn; tiêu chảy; đau bụng; viêm kết mạc. Về triệu chứng phát ban: Ban đầu ban nhú đỏ sẫm màu như đinh ghim tập trung ở nang lông, sau hình thành nên tổn thương ban dát sần có ranh giới rõ và cuối cùng hợp thành ban lan tỏa, thường trong tuần đầu của bệnh. Triệu chứng xuất huyết, bao gồm: đi ngoài phân đen; chảy máu nơi tiêm truyền; ho máu, chảy máu chân răng; tiểu máu; chảy máu âm đạo.
- Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới hiện nay, để chủ đồng phòng chống dịch bệnh, ngành y tế Bình Dương đã có biện pháp gì, thưa BS?
- Hiện nay, bệnh Ebola chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam. Vì thế, để chủ động phòng chống, ngành y tế Bình Dương cũng triển khai những biện pháp phòng chống, ứng phó trước diễn biến của dịch bệnh.
Trước mắt, Sở Y tế sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông và các ngành liên quan trên địa bàn tỉnh chủ động tuyên truyền về dịch bệnh theo hướng phổ biến kiến thức, tình hình bệnh dịch tránh gây hoang mang, lo lắng. Sở chỉ đạo các đơn vị y tế giám sát chặt chẽ các ca bệnh nếu có dấu hiệu nghi ngờ. Song song đó, sở cũng xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó, cũng như chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện di chuyển, cơ số thuốc để ứng phó kịp thời nếu có dịch bệnh xảy ra.
- Xin cảm ơn BS!
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tính đến hết ngày 10-8, thế giới ghi nhận 1.779 trường hợp nhiễm virus Ebola, trong đó có 961 trường hợp tử vong tại 4 nước vùng Tây Phi. Đặc biệt, WHO đã ghi nhận trên 200 cán bộ y tế đã lây nhiễm virus này. Theo ông Phu, Bộ Y tế đã chủ động ban hành kế hoạch ứng phó với dịch bệnh do virus Ebola với 3 tình huống trong đó khâu giám sát rất quan trọng.
“Khâu giám sát ở tất cả các cửa khẩu và cộng đồng rất quan trọng. Theo đó, việc kiểm soát này sẽ được thực hiện quyết liệt và nghiêm ngặt do tỷ lệ mắc và tử vong do virus Ebola đang cao từng ngày, tử vong nhiều và nhanh”, ông Phu nói. Ông Phu cũng lưu ý, trong khâu giám sát, không chỉ giám sát những người có triệu chứng nghi nhiễm virus Ebola mà cần phải giám sát với những người có chung chuyến bay hoặc tiếp xúc với người đó. Hiện nay, hệ thống xét nghiệm của Việt Nam đáp ứng được các xét nghiệm nghi nhiễm virus Ebola. Một số tổ chức quốc tế cũng đã hứa sẽ giúp Việt Nam trong vấn đề này.
Ông Phu thông tin thêm: Bộ Y tế vừa thành lập Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp (EOC). Văn phòng này sẽ tiếp nhận, tổng hợp, xác định, phân tích thông tin về tình hình dịch bệnh và các hoạt động đáp ứng từ các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế; tổ chức đánh giá nguy cơ của dịch bệnh và thực hiện chế độ báo cáo hàng ngày, tuần, tháng theo quy định.
Theo Báo Bình Dương