Kì thi quốc gia 2015: Nhiều quy định cần sớm làm rõ (11/09/2014)
Hiện nay Bộ GD-ĐT chưa công bố nội dung cụ thể về kì thi quốc gia 2015.
Không nên chia học sinh thành 2 loại
Về quy định, các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, không tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có sử dụng kết quả của kì thi để tuyển sinh,sẽ dự thi tại các cụm thi tại địa phương do các Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các trường ĐH, CĐ; còn với các thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp và sử dụng kết quả vào tuyển sinh ĐH, CĐ thì sẽ dự thi tại các cụm thi ở các trường ĐH (tương tự như các cụm thi ĐH năm 2014) do các trường ĐH chủ trì, phối hợp với các sở GD-ĐT.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) băn khoăn: “Không nên chia học sinh thành 2 loại như vậy. Quy định như trên sẽ phân biệt công dân loại 1, công dân loại 2, mặc dù tổ chức thi như vậy nhằm đáp ứng yêu cầu của học sinh nhưng sẽ rất ít thí sinh dự thi tại Sở GD-ĐT. Bên cạnh đó, tâm lý của học sinh lứa tuổi này hay thay đổi. Ví dụ: thí sinh thi ở địa phương nhưng đạt điểm cao lại muốn thi đại học với lý do chính đáng, lúc đó Bộ xử lý thế nào? Cản trở không cho thi đại học nữa hay sao? Như vậy, tạo ra sự bất bình đẳng trong học sinh”.
Theo quy định, tổ chức thi theo cụm, Bộ sẽ công bố các cụm thi và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức coi thi, chấm thi cho các trường đại học đủ năng lực và Bộ dự kiến có khoảng 20 cụm thi quốc gia ở kỳ thi này, TS Tùng Lâm cho rằng: Bộ dự kiến có nhiều cụm thi nhưng quy định này vì các trường đại học chứ không phải vì học sinh. Là 1 kỳ thi quốc gia xét 2 mục đích nên học sinh ai cũng muốn thi ở phạm địa phương của mình chứ rất ngại đi sang các tỉnh khác thi vẫn rất tốn kém.
"Ở kỳ thi này, đại học đóng vai trò khách quan thôi. Từ trước tới nay tổ chức kỳ thi tốt nghiệp, chấm thi tốt nghiệp, thậm chí chấm thi đại học (các trường đại học nhờ giáo viên phổ thông) chủ yếu vẫn là các giáo viên phổ thông là chính. Nên trong việc coi thi, chấm thi tốt nghiệp, giáo viên phổ thông giỏi hơn nhiều giảng viên đại học" - ông Lâm nhấn mạnh.
TS. Lâm kiến nghị: “Nên tăng thêm các cụm thi. Có thể mỗi tỉnh một cụm thi chứ không nên để ít cụm thi như hiện nay. Giáo viên vất vả di chuyển coi thi chứ không nên để học sinh vất vả”.
Đồng quan điểm, PGS.TS Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho rằng: Để các trường đại học tổ chức thi như vậy sẽ phức tạp hơn nên để cho các Sở GD-ĐT tổ chức thi, chấm thi bởi chưa chắc các trường đại học đã tổ chức tốt hơn ở cơ sở vì chưa có kinh nghiệm nhiều. Các trường đại học chỉ đóng vai trò giám sát.
Phải làm rõ quy định “ngưỡng” điểm xét tuyển
Về quy định, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn(gọi là các môn thi tối thiểu)ngồm: 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí. Kết quả của 4 môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo. Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi còn lại của Kỳ thi để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định trong Đề án tuyển sinh của trường.
PGS.TS Vũ Văn Hóa băn khoăn: “Nếu quy định ngưỡng điểm xét tuyển của từng môn, như vậy là xét điểm sàn từng môn. Cách tính như vậy phức tạp hơn năm trước. Nếu xét phải xét tổng thể 4 môn thi là bao nhiêu đạt ngưỡng? Vì quy định đây là cơ sở để xét vào ĐH,CĐ vậy thì mới đánh giá toàn diện học sinh được.
Đứng về khía cạnh giáo viên phổ thông, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: "Thi 4 môn, học sinh thuận lợi nhưng lại khó khăn cho các trường phổ thông hiện nay. Học sinh chỉ học cho những môn mình thi chứ không học môn không thi như vậy tạo ra việc học không toàn diện như mong muốn của chủ trương đưa ra".
TS. Nguyễn Tùng Lâm đưa ra giải pháp: “Hết học kỳ I lớp 12 nên tổ chức một kỳ thi 8 môn, đề thi do Bộ GD-ĐT đưa ra vừa để thầy và trò tiếp cận kỳ cách thi mới mà Bộ đã định hướng. Bên cạnh đó, chính kỳ thi này để học sinh đánh giá chính năng lực của mình, lựa chọn môn thi xét tốt nghiệp và đại học. Đây có thể gọi là kỳ thi sát hạch, tự đánh giá năng lực học sinh và toàn diện nhất.
Một điểm quan trọng nữa mà với nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu tâm lý học sinh và dạy học của mình, TS. Tùng Lâm cho hay: Một số học sinh phổ thông có bệnh chủ quan không học nhưng vẫn được tốt nghiệp và vẫn đi thi đại học nên dẫn đến hiện tượng nhiều thí sinh “ảo” ở mỗi kỳ thi đại học. Nên chăng kỳ thi quốc gia này, Bộ cần định ra một chuẩn mực và đạt chuẩn đó mới được đi thi Kỳ thi quốc gia. Nếu làm sớm được điều này học sinh mới chịu học. Đổi mới thi phải trên nền thực sự cố gắng của học sinh. Bộ phải làm hết sức nghiêm túc, cần loại ngay một số học sinh học không nghiêm túc ngay từ ban đầu.
Sẽ tổ chức sát hạch lại học sinh
Ông Lê Xuân Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội cho biết: “Hiện nay chưa biết cụ thể về phương án thi quốc gia như thế nào nhưng với tinh thần quyết tâm tổ chức một kỳ thi nghiêm túc, chất lượng của Bộ GD-ĐT thì trường ủng hộ và thực hiện. Tuy nhiên, trường sẽ thực hiện tuyển theo kết quả thi quốc gia nhưng sau đó sẽ tổ chức kiểm tra kiến thức lại một số môn của học sinh để phù hợp với ngành học như Toán, Hóa, Lý, Ngoại ngữ, Vẽ.
Ông Thành cho rằng: “Nguyên tắc kỳ thi quốc gia là làm thế nào để cho người dân tin kết quả thi, theo đó các trường tin vào kết quả thi này để không phải tổ chức kỳ kiểm tra hay thi sát hạch lại nữa. Tuy nhiên, đây là năm đầu thực hiện nên vẫn còn nhiều bỡ ngỡ khó tránh khỏi”.
Đồng quan điểm, ông Lê Đức Hạnh, Trưởng Phòng đào tạo, ĐH Hà Nội cho hay: “Phương án thi 4 môn là một ưu điểm. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, khâu tổ chức thi nên để cho các Sở GD-ĐT tổ chức. Bởi tôi nghĩ, các trường đại học sẽ khó lấy hoàn toàn kết quả thi quốc gia này vào trường. Các trường sẽ kiểm tra lại để sàng lọc học sinh”.
Nguồn Dân trí