Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 8, khóa XIII (20/10/2014)
Kỳ họp toàn thể cuối năm của Quốc hội khai mạc sáng nay (20/10) tại Hà Nội, kéo dài đến hết ngày 28/11, tại tòa nhà mới khai trương sau 5 năm xây dựng. Hai phần ba thời lượng của kỳ họp dành cho công tác xây dựng pháp luật, thời gian còn lại các đại biểu sẽ tập trung đánh giá tình hình kinh tế xã hội năm 2014, kế hoạch 2015, xem xét quá trình tái cơ cấu kinh tế cũng như nhiều vấn đề thời sự quan trọng khác của đất nước.
|
Các đại biểu sẽ lần đầu tiên làm việc tại tòa nhà Quốc hội mới. Ảnh: Giang Huy
|
Nghị trình được đánh giá là khá nặng của kỳ họp thể hiện ngay trong phiên khai mạc. Phiên họp trù bị đẩy lên sớm một ngày (19/9), lịch làm việc chính thức của các đại biểu bắt đầu từ 8h sáng nay, thay vì 9h như các kỳ trước.
Ngay trong sáng 20/10, Quốc hội nghe 7 báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của các ủy ban thuộc Quốc hội xung quanh tình hình kinh tế – xã hội, phòng chống tham nhũng, đề án đổi mới sách giáo khoa và phần tổng hợp ý kiến cử tri. Buổi chiều, 8 báo cáo liên quan đến ngân sách 2014, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt và Luật Kiểm toán được gửi tới Quốc hội.
Theo chương trình làm việc dự kiến, báo cáo tình hình kinh tế – xã hội 2014 sẽ được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày trong phiên khai mạc. Đây được xem là nội dung đáng chú ý bởi nhận định của Chính phủ về việc kinh tế năm qua tiếp tục có chuyển biến tích cực, đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau khi thảo luận tại Thường vụ Quốc hội. Tại kỳ họp trước, báo cáo sơ bộ 5 tháng của cơ quan điều hành từng nhận định nền kinh tế đã phục hồi rõ nét.
Đi sâu hơn vào chi tiết, báo cáo của Chính phủ khẳng định lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm, thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định, thu ngân sách đạt khá hơn dự toán. Trong khi đó, một số vấn đề xã hội cũng có bước cải thiện, công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tăng cường.
Cơ quan điều hành khẳng định sẽ đưa ra các chính sách tiền tệ để điều tiết mặt bằng lãi suất thị trường ở mức hợp lý, tăng cường khuyến khích đầu tư để góp phần tăng tổng cầu. Về mục tiêu tổng quát năm 2015, báo cáo khẳng định tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, trong khi vẫn nỗ lực tái cơ cấu kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Các luật dự kiến thông qua tại kỳ họp này: Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Hộ tịch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Thuế... |
Với 2/3 thời gian dành cho công tác xây dựng luật, kỳ họp này của Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 18 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến lần đầu với 12 dự luật khác. Đây là kỳ họp có số lượng luật được Quốc hội thông qua và cho ý kiến nhiều nhất từ trước tới nay. Ngoài ra, các đại biểu cũng sẽ dành ra 3 ngày làm việc để thực hiện những nội dung liên quan đến chất vấn và trả lời chất vấn. Quốc hội cũng sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh do cơ quan lập pháp bầu và phê chuẩn.
Bên cạnh những công việc thường xuyên nêu trên, tại kỳ họp, Quốc hội cũng cho ý kiến về Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011-2015, Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành… Đây đều là những vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm hiện nay.
Theo Nhật Minh