Trồng bưởi theo hướng VietGap tại xã Hiếu Liêm (16/12/2015)
Hiếu Liêm là xã thuộc huyện Bắc Tân Uyên, có diện tích trồng cây có múi đạt 800 ha (chiếm 61,5% diện tích trồng cây có múi của huyện). Trong các loại cây có múi, bưởi là loại cây sinh trưởng tốt, cho năng suất cao, chất lượng ngon và là cây mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người dân.
Bưởi da xanh thích nghi rộng trên nhiều loại đất như đất phù sa, đất đỏ, đất xám, đất nhiễm phèn, mặn. cây phát triển nhanh, mạnh; sức sống cao, cành lá to, mau khép tán. Ra quả sớm vào năm thứ hai sau trồng (cành chiết và cây ghép), trong sản xuất thường chỉ để quả ở năm thứ ba. Năng suất tăng dần và từ năm thứ 5 đến thứ 8 là lúc cho quả nhiều và ngon, có thể đạt từ 120 - 150 quả/cây.
Trong thời gian qua, cây bưởi tại xã Hiếu Liêm rất được lãnh đạo địa phương quan tâm và hỗ trợ phát triển diện tích. Nhiều mô hình trồng mới, cải tạo vườn bưởi được xây dựng với diện tích lớn. Trong chương trình xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011-2015, phòng Kinh tế huyện Tân Uyên đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ chuyển giao các quy trình công nghệ sản xuất bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGap cho các hộ nông dân trên địa bàn xã như: Quy trình nhân giống vô tính bưởi da xanh, chăm sóc cây giống và quản lý vườn ươm bưởi da xanh; quy trình cải tạo, thâm canh vườn bưởi da xanh thời kỳ kinh doanh; quy trình trồng mới bưởi da xanh theo hướng VietGap; quy trình trồng bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGap; quy trình phòng trừ sâu bệnh hại quan trọng và phổ biến cho cây bưởi da xanh; quy trình thu hái, bảo quản và đóng gói quả bưởi da xanh.
Ngoài việc chuyển giao các quy trình trồng bưởi cho người dân, các đơn vị còn tổ chức tập huấn, chuyển giao quy trình kỹ thuật: Sản xuất bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGap; biện pháp bảo đảm an toàn lao động trong sản xuất cây bưởi; quy trình thu hoạch và sơ chế bưởi da xanh nhằm đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; hướng dẫn đánh giá nội bộ trong sản xuất cây bưởi theo tiêu chuẩn VietGap.
Cải tạo thâm canh vườn bưởi
Việc áp dụng các biện pháp tổng hợp trong sản xuất cải tạo thâm canh vườn bưởi da xanh theo hướng VietGap làm tăng chi phí đầu tư do đầu tư thêm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động so với lô đối chứng. Giá trung bình ở các lô tác động kỹ thuật cao hơn lô đối chứng 2.000đ/kg quả, do quả ở lô tác động kỹ thuật có mẫu mã đẹp hơn, chất lượng ngon hơn. Cùng với năng suất cao hơn nên lô tác động kỹ thuật đạt tổng thu cao hơn so với lô đối chứng.
Lợi nhuận thu được từ lô tác động kỹ thuật là 469 triệu đồng/ha/năm cao hơn so với lô đối chứng (267,2 triệu đồng/ha/năm), tăng 75,5% và tỷ suất lợi nhuận ở lô tác động kỹ thuật là 1,82 lần cao hơn so với lô đối chứng.
Mô hình bưởi
Qua đó cho thấy, áp dụng các biện pháp cải tạo thâm canh tổng hợp vườn bưởi Da xanh cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với biện pháp của nhà vườn. Theo đánh giá của chủ hộ tham gia mô hình và các hộ dân trồng bưởi Da xanh áp dụng kỹ thuật thì biện pháp áp dụng phát huy hiệu quả làm tăng năng suất, hiệu quả kinh tế so với cách chăm sóc cũ của nhà vườn.
Sản xuất bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP
Để sản xuất được bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam bộ tiến hành tập huấn, đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho các chủ vườn và công nhân lao động; hướng dẫn chủ vườn xây dựng hệ thống tài liệu, biểu mẫu phù hợp theo yêu cầu của tiêu chuẩn VietGAP và các quy định hiện hành của nhà nước; hướng dẫn cho chủ vườn xây dựng cơ sở vật chất cần thiết theo yêu cầu cỉa VietGAP như: Kho phân bón, kho thuốc bảo vệ thực vật, kho để dụng cụ làm vườn, tủ thuốc y tế, nhà vệ sinh, bồn rửa tay, nhà thu hoạch, hệ thống xử ký nguồn nước sinh hoạt, nơi xử lý bao bì thuốc…; hướng dẫn nhà vườn ghi chép nhật ký đồng ruộng; phân tích đất, nước và quả bưởi da xanh ở mô hình; tiến hành kiểm tra và đánh giá nội bộ; hướng dẫn chủ vườn lập hồ sở đăng ký chứng nhận và khác phục các điểm chưa phù hợp…
Cơ sở hạ tầng
Sau khi mô hình được triển khai, các biện pháp tác động trên vườn bưởi Da xanh đã cho hiệu quả. Các biện pháp tác động như phân bón hợp lý, cân đối kết hợp với tỉa cành đã giúp cho cây bưởi da xanh trong vườn sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế nhiều sâu bệnh hại (5% số cây bị hại). Trong khi các cây bưởi da xanh vườn sản xuất đại trà sinh trưởng phát triển trung bình và sâu bệnh gây hại nhiều hơn (18% số cây bị hại).
Trong lượng trung bình quả ở vườn mô hình đạt 1,8kg/quả khác biệt không có ý nghĩa so với vườn sản xuất đại trà (1,6kg/quả). Tuy nhiên, số quả trên cây ở vườn mô hình đạt trung bình 74 quả/cây cao hơn so với vườn sản xuất đại trà (43 quả/cây).
Với khoảng cách các hộ đã trồng là 6 x 6 m (tương đương 278 cây/ha) thì năng suất trung bình ở vườn mô hình của các hộ là 34,4 tấn/ha/năm cao hơn so với vườn sản xuất đại trà (17,8 tấn/ha/năm). Như vậy việc áp dụng tổng hợp các biện pháp thâm canh, cải tạo vườn bưởi da xanh liên tục trong 4 năm làm tăng năng xuất trung bình 93,26%.
Thu hoạch bưởi
Áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP làm tăng chi phí đầu tư do đầu tư thêm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, xây dựng cơ sở hạ tầng (kho phân bón, kho thuốc bảo vệ thực vật, nhà vệ sinh, khu pha thuốc, văn phòng phẩm), phân tích mẫu so với vườn sản xuất đại trà. Giá bán trung bình ở vườn mô hình cao hơn vườn sản xuất đại trà 6.000đ/kg quả, do quả ở vườn mô hình có mẫu mã đẹp hơn, chất lượng ngon hơn và an toàn (được chứng nhận VietGAP). Cùng với năng suất cao hơn nên vườn mô hình đạt tổng thu (1.169.600.000 đồng/ha/năm) cao hơn so với đối chứng (498.400.000 đồng/ha/năm).
Minh Nguyệt
(Nguồn: Báo cáo tổng kết xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây bưởi theo hướng VietGAP tại xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương)