Khuyến nông Bình Dương: Góp phần xây dựng nông thôn mới (16/12/2015)
Trong những năm gần đây, tình hình kinh tế thế giới tuy đang phục hồi nhưng vẫn trong điều kiện chịu nhiều tác động bởi các yếu tố bất lợi trong sản xuất nông nghiệp: Cạnh tranh trên thị trường nông sản thế giới tăng lên, các nước phát triển gia tăng nhiều biện pháp phi thuế quan bảo hộ sản xuất nông nghiệp tạo ra quan hệ thương mại bất bình đẳng và thiệt hại thuộc về các nước đang phát triển có xuất khẩu hàng nông sản; các cam kết thương mại của các nước thành viên WTO, FTA, TPP tạo ra cơ hội nhưng cũng đầy cạnh tranh đối với thị trường nông, lâm, thủy sản trên toàn cầu và áp lực nâng cao chất lượng sản phẩm đối với nên sản xuất nông nghiệp trong nước.
Mô hình trồng hoa lan của hội viên câu lạc bộ trang trại Hoa lan Bình Dương
Bình Dương là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Có thể khẳng định trong thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương đã thể hiện được vai trò quan trọng của mình trong việc góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của người nông dân để tăng thu nhập, thoát đói nghèo, làm giàu thông qua các hoạt động đào tạo, xây dựng mô hình trình diễn, đưa những tiến bộ khoa học công nghệ về với bà con nông dân, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và gia tăng giá trị sản xuất cho nông dân trong tỉnh. Kết quả, nhiều mô hình giúp giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế; tăng thu nhập cho người nông dân. Có thể kể đến chương trình khuyến nông đô thị và ven đô, dự án xây dựng mô hình hợp tác sản xuất của các hộ trồng hoa lan ở Bình Dương.
Mô hình nuôi cá cảnh
Chương trình khuyến nông đô thị và ven đô của Trung tâm Khuyến nông Bình Dương triển khai từ năm 2008, đến nay đã giới thiệu và chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nhiều đối tượng sản xuất mới phù hợp với đặc điểm của nền sản xuất nông nghiệp chịu nhiều tác động mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa ở Bình Dương trong thời gian qua, các đối tượng sản xuất như hoa lan, hoa huệ, hoa lay ơn, cá kiểng, nấm… đã hình thành và phát triển mạnh mẽ ở Bình Dương trong thời gian vừa qua.
Dự án xây dựng mô hình hợp tác sản xuất của các hộ trồng hoa lan trên địa bàn tỉnh Bình Dương, triển khai từ năm 2014 đến nay dự án là một thí điểm tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến nông theo chuỗi giá trị và liên kết sản xuất. Không chỉ tác động nâng cao chất lượng, giá trị và năng suất sản xuất của ngành trồng hoa lan trên địa bàn tỉnh Bình Dương, dự án còn xây dựng mối liên kết hợp tác của các hộ trồng lan, tạo mối liên kết về tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa. Kết quả, dự án đang xây dựng nhãn hiệu hàng hóa “hoa lan đất thủ”, chuyển giao các mô hình trồng lan Mokara giống mới có giá trị và hiệu quả kinh tế cao; mô hình chăm sóc hoa lan; mô hình ứng dụng hệ thống tưới phun sương bán tự động tiết kiệm nước, giảm công lao động, giảm thiểu lay lan dịch bệnh trên cây lan; liên kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh số tiêu thụ sản phẩm hoa lan hàng tháng qua Câu lạc bộ là 100 triệu đồng (khoảng 20.000 cành Mokara). Từ việc tạo được đầu ra ổn định cho sản phẩm, việc hỗ trợ kỹ thuật của Câu lạc bộ trang trại hoa lan đã thức đẩy các hộ có điều kiện và quan tâm đến loại cây trồng này mạnh dạn đầu tư sản xuất, phát triển trồng mới nhiều giống lan có giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập ổn định cho người trồng lan ở Bình Dương.
Mô hình trồng nấm linh chi
Trong xây dựng nông thôn mới, nếu khẳng định “phát triển sản xuất là gốc” thì “nâng cao đời sống cho người dân là mục tiêu” và “lợi ích mang lại cho người dân là động lực”. Với những ý nghĩa đó, công tác khuyến nông đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản hàng hóa… nhằm giúp cho người dân nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, sản xuất và tiêu thụ nông sản mang tính ổn định, bền vững, góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Bên cạnh đó, cần xây dựng đội ngũ cán bộ khuyến nồng có đủ trình độ chuyên môn kỹ thuật, có năng lực tổ chức, quản lý và điều hành các hoạt động khuyến nông. Đặc biệt cần đạo tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở để họ toàn tâm, toàn ý với công việc và gắn bó với sự nghiệp khuyến nông. Tùy theo nhóm đối tượng nông dân và lĩnh vực sản xuất để tổ chức các hoạt động khuyến nông phù hợp và có hiệu quả. Tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, trình độ dân trí của nông dân để họ thực sự tham gia chủ động và hiệu quả vào công tác khuyến nông, bảo vệ quyền lợi người nông dân. Thường xuyên nắm bắt nhu cầu và nguyện vọng của nông dân, có phương pháp tiếp cận phù hợp để xây dựng và triển khai có hiệu quả các hoạt động khuyên nông.
Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa công tác khuyến nông trong tình hình mới thông qua các phương tiện như điện thoại, internet, phát thanh, truyền hình; đẩy mạnh xã hội hóa khuyến nông theo cơ chế đối tác công tư; tăng cường phối hợp, liên kết các đơn vị nghiên cứu, các nhà khoa học, các doanh nghiệp…; sớm triển khai các mô hình khuyến nông liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ mà trước hết là đưa kết quả nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ tiến tiến trong và ngoài ngoài nước vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Ngoài ra, công tác khuyến nông cần tăng cường thông tin sát với thị trường, tổ chức huấn luyện đào tạo xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm giúp nông dân đẩy mạnh cơ giới nông nghiệp, tiếp cận được với nguồn vốn, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Trần Phước (Nguồn: Tài liệu Hội thảo đổi mới hoạt động khuyến nông phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới)