Hướng tới phát triển thị trường sức lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương từ nay đến năm 2020 (16/12/2015)
Trong suốt quá trình phát triển và đổi mới đất nước, chúng ta đã đặt được những thành công nhất định trên con đường phát triển ở các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt là sự thành công của việc chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường, sự phát triển đồng bộ các loại thị trường, trong đó có thị trường sức lao động (viết tắt TTSLĐ). Đây là một trong những loại thị trường quan trọng và cơ bản của nền kinh tế.
Theo đó, việc chuyển đổi sang kinh tế thị trường và phát triển TTSLĐ ở tỉnh Bình Dương là một vấn đề cấp thiết không chỉ về mặt lý luận là phải nhận thức thấu đáo về loại thị trường này. Điều quan trong là chúng ta cần phải hiểu rõ các nhân tố cấu thành loại thị trường để vạch ra chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của tỉnh, cần có kế hoạch đào tạo và sử dụng sức lao động (SLĐ) hiệu quả, khách quan trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Thực tiễn nền kinh tế ở tỉnh Bình Dương trong những năm qua đã có tốc độ tăng trưởng nhanh, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của tỉnh, vẫn còn nhiều bất cập gây hạn chế không ít đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Để giải quyết hững bất cập ấy, đều quan trọng là cần nghiên cứu, tìm hiểu và tìm ra giải pháp phát triển hàng hóa sức lao động và phát triển TTSLĐ trên địa bàn tỉnh.
Chính vì những lý do đó, nhóm tác giả đã cùng nhau thực hiện đề tài “Phát triển thị trường sức lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020” do TS. Đinh Thị Kim Chi chủ nhiệm và Liên hiệp Khoa học Kinh tế Kỹ thuật Môi trường miền Nam chủ trì thực hiện.
Chăm sóc, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho công nhân
Lý luận chung về hàng hóa sức lao động và thị trường sức lao động
Theo Kral Max cho rằng “Sức lao động hay năng lực lao động là toàn bộ những năng lực thể chất và tinh thần tồn tại trong một cơ thể, trong một con người đang sống và được người đó đem ra vận dụng mỗi khi sản xuất ra một giá trị sử dụng nào đó”. Như vậy, người có SLĐ được thể hiện trên 02 mặt thể chất và tinh thần, chúng có quan hệ mật thiết và bổ sung cho nhau. Nếu thể chất của chúng ta được đảm bảo tốt sẽ làm cơ sở cho con người tiến hành lao động tốt hơn.
Mặc khác, giá trị hàng hóa sức lao động được biểu hiện ở giá trị những tư liệu sinh hoạt cần thiết về vật chất, tinh thần thông qua việc tiêu dùng các tư liệu sinh hoạt nhằm đáp ứng các yêu cầu đó. Và giá trị hàng hóa SLĐ được cầu thành gồm: Giá trị tư liệu sinh hoạt cần thiết để duy trì đời sống của bản thân người lao động và tái sản xuất sức lao động; chi phí đào tạo, bồi dưỡng để người lao động có sức lao động; giá trị các tư liệu sinh hoạt cho gia đình người lao động để tái sản xuất mở rộng sức lao động và thay thế SLĐ khi người lao động không còn khả năng lao động.
Theo góc độ khái quát thị trường nói chung, thị trường là nơi trao đổi mua bán hàng hóa. Do đó, thị trường sức lao động cũng vậy, nó là nơi trao đổi mua bán hàng hóa sức lao động, nhưng chúng lại được tồn tại ngay trong cơ thể của từng người lao động. Như vậy, để hình thành nên thị trường sức lao động cần bao gồm các yếu tố: Cung SLĐ; cầu SLĐ; giá cả SLĐ và sự cạnh tranh về giá cả trên thị trường sức lao động.
Thực trạng thị trường sức lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong vùng kinh tê trọng điểm phía nam và là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phát triển công nghiệp năng động cả nước.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh đã đạt được nhiều thành quả quan trọng: Quy mô và mạng lưới trường lớp tiếp tục được mở rộng; giữ vững thành quả phổ cập giáo dục tiểu học;….. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa các vùng trong toàn tỉnh; công tác xây dựng đội ngũ giáo viên vẫn còn có những khó khăn, đặc biệt là cấp học mầm non.
Về mặt kinh tế - xã hội: Bình Dương đã có nhiều chuyển biến tích cực, đúng hướng và toàn diện ở hầu hết các lĩnh vực. Tỉnh đã thực hiện các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng. Đồng thời, công tác giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, hoạt động văn hóa, mạng lưới thông tin liên lạc… ngày càng ổn định và phát triển.
Đối với sự hình thành thị trường SLĐ, Bình Dương gắn liền với sự chuyển đổi cơ chế kinh tế ở Việt Nam từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường mà điểm nổi bật là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước…
Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia thì chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương vẫn còn thấp và chưa đáp ứng được những yêu cầu đặt ra của doanh nghiệp, của tỉnh trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội cả trước mắt và lâu dài. Trong những năm trước 2010, có gần 2/3 dân số sống ở vùng nông thôn, trung bình và cứ 02 người dân sống ở nông thôn thì mới có 01 người dân sống ở thành thị.
Theo thực trạng cơ cấu về số lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương là không cân đối. Điều này được thể hiện ở lực lượng lao động hiện có và nhu cầu lao động. Do đó, để giải quyết được vấn đề này cần phải thực hiện việc thu hút lực lượng từ các tỉnh tới Bình Dương để cân đối cung cầu.
Tại Bình Dương, tỷ lệ nguồn nhân lực đã qua đào tạo chiếm 17%. Điều này nói lên rằng các doanh nghiệp vẫn khó có thể tuyển dụng đủ nguồn nhân lực cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình. Mặt khác, do sự hình thành các doanh nghiệp mới hàng năm, doanh nghiệp đã và đang hoạt động mở rộng quy mô, thay đổi dây chuyền công nghệ làm cho lực lượng lao động không chỉ phải tăng về số lượng, chất lượng mà thay đổi cả về cơ cấu ngành nghề, trình độ để giải quyết số lượng lao động tăng thêm…
Trong những năm qua, tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng triển khai các hình thức phát triển thị trường; thu hút đươc nguồn lao động từ các tỉnh thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng đã đảm được phần lớn nguồn lao động đáp ứng cho doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng, phục vụ sản xuất kinh doanh các ngành nghề của tỉnh; phát triển các trung tâm dạy nghề rất sớm, lan tỏa nhanh và giới thiệu việc làm thông qua các Trung tâm dịch vụ việc làm và sàn giao dịch…
Những quan điểm cơ bản và giải pháp chủ yếu phát triển thị trường sức lao động tỉnh Bình Dương năm 2020
Dựa vào cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ, dự báo về sự phát triển thị trường sức lao động và phân tích thực trạng, nhóm tác giả đã đưa ra những quan điểm cần phải nắm vững trong quá trình phát triển thị trường sức lao động và hàng hóa sức lao động. Đó là quan điểm toàn diện về nguồn lao động. Về chủng loại, nguồn lao động đòi hỏi cần có một cơ cấu lao động hợp lý về quy mô theo yêu cầu mở rộng sản xuất, hợp lý về tốc độ phát triển trong từng thời kỳ; từng giai đoạn phát triển; hợp lý về cơ cấu đội ngũ lao động trong từng doanh nghiệp về trình độ chuyên môn, ngành nghề…
Ngọc Loan (Nguồn báo cáo tổng kết phát triển thị trường sức lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2020)