Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử (16/12/2015)
Ngày 19/11/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định sử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nghị định 124 đã sửa đổi Điều 80 trong Nghị định 185 về hành vi vi phạm khác trong quan hệ với khách hàng, người tiêu dùng như phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng, người tiêu dùng do nhầm lẫn; đánh tráo, gian lận hàng hóa, dịch vụ khi giao hàng, cung ứng dịch vụ cho khách hàng, người tiêu dùng; không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại hàng hóa, dịch vụ bị đánh tráo, gian lận cho khách hàng, người tiêu dùng; tự ý bớt lại bao bì, phụ tùng, linh kiện thay thế, hàng khuyến mại, tài liệu kỹ thuật và hướng dẫn sử dụng kèm theo khi bán hàng, cung cấp dịch vụ; thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, đề nghị giao dịch trực tiếp với đối tượng là người không có năng lực hành vi dân sự hoặc người mất năng lực hành vi dân sự; yêu cầu hoặc buộc người tiêu dùng thanh toán chi phí hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng; lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để cung cấp hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng.
Nghị định 124 đã bổ sung một số quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử (từ điều 81 đến 85 trong Nghị định 185). Từ đầu năm 2016, doanh nghiệp thiết lập ứng dụng di động để bán hàng trực tuyến hoặc cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (TMĐT) mà không thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương sẽ bị xử phạt. Về cơ bản, việc xử phạt đối với các hành vi vi phạm trên các ứng dụng bán hàng di động cũng tương tự đối với các mức xử phạt trên các website TMĐT đã quy định trước đây (như trường hợp tổ chức kinh doanh trên ứng dụng di động nhưng không thông báo hoặc đăng ký). Nhưng cũng có một số trường hợp vi phạm sẽ có tình tiết xử phạt khác với website TMĐT.
Trước đây, các quy định quản lý trong lĩnh vực TMĐT chủ yếu đề cập đến các website TMĐT bán hàng, sàn TMĐT… nay Nghị định 124 sẽ đưa ra các quy định xử phạt đối với hoạt động bán hàng trực tuyến thông qua ứng dụng di động. Mức xử phạt cao nhất sẽ rơi vào một số trường hợp như: doanh nghiệp không cung cấp thông tin và hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ TMĐT; không có biện pháp xử lý khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật; hoặc tổ chức mạng lưới kinh doanh, tiếp thị trực tuyến theo hình thức thưởng tiền, đóng góp tiền để mua dịch vụ và được hưởng hoa hồng.
Cụ thể, Nghị định 124 có mức xử phạt cao nhất (40-50 triệu đồng) đối với việc lợi dụng việc đánh giá, giám sát và chứng thực trong TMĐT để thu lợi bất chính; tiếp tục hoạt động sau khi bị huỷ bỏ đăng ký, chấm dứt hoặc thu hồi giấy phép đánh giá, giám sát và chứng thực trong TMĐT.
Nghị định cũng bổ sung hình phạt tước quyền sử dụng giấy phép đánh giá và chứng nhận chính sách bảo vệ thông tin cá nhân; giấy phép chứng nhận hợp đồng điện tử trong TMĐT. Bên cạnh việc thu hồi giấy phép, đối tượng vi phạm còn phải nộp lại khoản tiền thu được khi thực hiện không đúng quy định.
Ngoài ra, Nghị định còn sửa đổi bổ sung một số điều liên quan đến hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm; vi phạm về hợp đồng giao kết từ xa; sản xuất tem, nhãn, bao bì giả; vi phạm về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu; vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác; vi phạm về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; vi phạm về đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; vi phạm về hoạt động bán hàng đa cấp.
Thu Hương