Phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Bình Dương năm 2016” (20/01/2016)
Ngày 12/01/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 52/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Bình Dương năm 2016”.
Kế hoạch thực hiện Đề án này hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Năm 2016, tổ chức đào tạo nghề cho 1.520 người là lao động nông thôn, trong đó, 960 người thuộc nhóm nghề phi nông nghiệp và nhóm nghề nông nghiệp 560 người.
Đối tượng áp dụng: Phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng. Trong đó, ưu tiên người khuyết tật và các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đặc biệt, ngoại trừ học sinh, sinh viên đang theo học tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông hoặc đang theo học chính quy tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trường nghề; những người được hưởng lương từ các loại hình doanh nghiệp, cơ quan hành chính sự nghiệp của nhà nước; những người đang hưởng lương hưu hàng tháng sẽ không được hỗ trợ theo chính sách của Đề án.
Theo đó, trong năm 2016 Đề án dự kiến sẽ triển khai tập trung đào tạo một số ngành nghề phù hợp với lao động nông thôn hiện nay, khôi phục các làng nghề, ngành nghề truyền thống trong nông nghiệp, các ngành nghề phục vụ cho doanh nghiệp, trang trại và các công trình dân dụng như: May công nghiệp; may gia dụng; thiết kế, tạo mẫu tóc; sửa chữa máy vi tính phần cứng; lái xe nâng hàng; nấu ăn - đãi tiệc; sửa chữa điện thoại di động; bảo mẫu; nghề trồng và nhân giống nấm; tạo dáng và chăm sóc cây cảnh; trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su; chăn nuôi thú y; nghề sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi; trồng bưởi theo công nghệ VietGap; nghề trồng rau an toàn.
Mô hình trồng rau an toàn
Đồng thời, Đề án cũng đã xây dựng chế độ chính sách cho các đối tượng tham gia đào tạo như sau:
- Hỗ trợ chi phí đào tạo:
+ Người khuyết tật: Mức tối đa 06 triệu đồng/người/khóa học.
+ Người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; người thuộc hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ: Mức tối đa 04 triệu đồng/người/khóa học.
+ Người dân tộc thiểu số; người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo (theo tiêu chí của tỉnh); người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm: Mức hỗ trợ tối đa 03 triệu đồng/người/ khóa học.
+ Người thuộc hộ cận nghèo (theo tiêu chí của tỉnh): Mức tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học.
+ Người học là phụ nữ, lao động nông thôn không thuộc các đối tượng trên: Mức tối đa 02 triệu/người/khóa học
- Hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại:
+ Đối với người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo (theo tiêu chí của tỉnh), người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng: Hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày; tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xã nơi cư trú từ 15 km trở lên.
+ Lao động nông thôn thuộc diện hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo (theo chuẩn của tỉnh) được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) với mức tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học và tiền ăn 10.000 đồng/ngày thực học/người.
+ Riêng đối với lao động nông thôn khác được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn với mức tối đa 02 triệu đồng/người/khóa học (theo từng ngành nghề và thời gian học thực tế) và tiền ăn 10.000 đồng/ngày thực học/người.
Phạm Thảo