Bình Dương, "địa chỉ đỏ" du lịch di tích lịch sử cách mạng (11/04/2016)
Cùng với các tỉnh, thành trong khu vực phía Nam, Bình Dương là một trong những "cái nôi" của cách mạng trong những năm chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, các di tích lịch sử như Địa đạo Tam giác Sắt, Nhà tù Phú Lợi, chiến khu Đ… đã được công nhận là di tích lịch sử cách mạng Quốc gia. Do đó, việc phát triển du lịch gắn với các điểm di tích lịch sử có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa nâng tầm du lịch của tỉnh vừa gắn với giáo dục truyền thống.
"Địa chỉ đỏ" các di tích lịch sử cách mạng
Tính đến nay, tỉnh Bình Dương có 12 di tích cấp quốc gia, 40 di tích cấp tỉnh với đầy đủ các loại hình, phong phú và đa dạng về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, các làng nghề truyền thống, các giá trị văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể như các lễ hội, các phong tục tập quán đã tạo nên một sắc thái riêng của Bình Dương.... Đây có thể nói là yếu tố "thiên thời, địa lợi", tạo nền tảng vững chắc để Bình Dương trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Khu du lích Địa đạo Tam Giác Sắt
Ông Lê Phan Thuần, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, hàng năm các di tích lịch sử các mạng đã thu hút được hàng ngàn lượt khách đến tham quan, học tập và nghiên cứu. Đặc biệt khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Lợi, Địa đạo Tam Giác Sắt, Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh... đã trở thành nơi giáo dục cách mạng cho thế hệ trẻ tìm hiểu về lịch sử đấu tranh cách mạng của các thế hệ người Việt Nam nói chung và của người dân Bình Dương nói riêng.
Tiềm năng du lịch lịch sử cách mạng
Để đẩy mạnh thu hút loại hình du lịch này, tỉnh Bình Dương đã có nhiều đề án, quy hoạch như: Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến 2020; Quy hoạch phát triển du lịch Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030... Trong đó, chú trọng kết hợp giữa phát triển du lịch gắn liền với tham quan các di tích, khai thác hiệu quả các di tích lịch sử, các giá trị di sản văn hóa, các giá trị môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững cả du lịch và môi trường sinh thái.
"Để tạo thuận lợi cho du khách tham quan, Sở đã phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch trùng tu, tôn tạo các di tích theo hướng khu du lịch về nguồn, sinh thái để giúp cho du khách cũng như người dân tham quan, học tập, vui chơi, giải trí... trong đó, tiêu biểu như khu di tích Cách mạng và Du lịch sinh thái Hố Lang (thị xã Dĩ An), khu di tích Địa đạo Tam Giác Sắt (thị xã Bến Cát), khu di tích Nhà tù Phú Lợi (thành phố Thủ Dầu Một)...", ông Thuần cho biết thêm.
Khách tham quan khu du tích Địa Đạo Tam Giác Sắt
Nhằm tránh sự "khô khan" trong tham quan, du lịch tại các di tích lịch sử cách mạng, trong thời gian tới Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị du lịch, lữ hành trong và ngoài tỉnh để thiết kế các tour kết hợp giữa các điểm du lịch của tỉnh với các di tích lịch sử cách mạng; thiết kế các tour du lịch về nguồn, du lịch trải nghiệm để các thế hệ trẻ hiểu được truyền thống đấu tranh của cha ông", bà Võ Thị Anh Xuân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh cho biết.
Hải Sư