Mướp đắng - những công dụng tiềm năng (12/04/2016)
Mướp đắng hay còn gọi là khổ qua có tên khoa học là Momordica charantiaL. Chúng thuộc loại dây leo, mọc ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, thuộc họ bầu, bí, có quả ăn được. Ở Việt Nam, mướp đắng là một trong những món ăn phổ biến vào ngày tết cổ truyền với ý nghĩa “cái khổ qua đi"
Giàu chất dinh dưỡng: Lợi ích cho sức khỏe
Thân mướp đắng có góc cạnh, lá mọc so le, phiến lá chia 5-7 thùy hình trứng, mép có răng cưa. Hoa mọc đơn độc ở kẽ lá, hoa đực cái cùng gốc, có cuống dài màu vàng nhạt. Quả to hình thon dài, trên mặt có nhiều u nổi lên, lúc còn non có màu xanh, khi chín có màu vàng hồng. Hạt dẹt gần giống hạt bí ngô, quanh hạt có màng đỏ như hạt gấc.
|
Theo các nghiên cứu khoa học cho thấy, mướp đắng có chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như: Carotene, protein, vitamin C với hàm lượng cao gấp 05-20 lần dưa chuột… nếu chúng ta thường xuyên ăn mướp đắng rất có lợi cho sức khỏe.
- Bổ gan, giải độc gan: Theo Đông y, mướp đắng có tính hàn nên có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cực tốt và tăng khả năng tái tạo các tế bào gan, cải thiện chức năng của túi mật và hỗ trợ tiêu hoá.
- Thanh nhiệt: Theo Đông y, do mướp đắng có vị đắng, tính hàn, công dụng thanh nhiệt, sáng mắt, giải độc và rất thích hợp với các chứng nhiệt sinh ra nóng, khát, làm sáng mắt, mát tim, nhuận tràng, hạt bổ thận tráng dương. Đặc biệt, trong những ngày hè, chúng ta có thể đun nước mướp đắng để tắm cho trẻ để trừ rôm sảy, làm thuốc chữa ho, chữa cảm mùa hè.
- Chữa dị ứng, đau váng đầu, đau thắt ngực, lở ngứa ngoài da, phụ nữ rối loạn kinh nguyệt, bí kết đại tràng.
- Kiểm soát đường huyết: Khi chúng ta uống mướp đắng hàng ngày vào các buổi sáng có thể kiểm soát được lượng đường trong máu do hai hợp chất momorcidin và charatin có trong khổ qua đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa glucose trong máu đến các cơ. Ngoài ra hạt mướp đắng còn chứa Polypeptide-p, một loại insulin thực vật, giúp làm giảm glucose ở những người bị bệnh tiểu đường loại 1.
- Cải thiện chức năng thị lực: Trong mướp đắng có chứa hàm lượng beta-carotein khá cao có tác dụng hỗ trợ tăng cường cải thiện thị lực đặc biệt là ở người lớn tuổi.
- Giảm cân: Với hàm lượng dinh dưỡng có trong mướp đắng giúp chúng ta có cảm giác no vì hàm lượng calo chứa trong mướp đắng rất ít nên chúng ta có thể ăn các loại thức ăn chế biến với mướp đắng mà cơ thể vẫn đảm bảo được cung cấp dưỡng chất cần thiết cho hoạt động hằng ngày mà không lo sợ bị tăng cân.
- Điều trị bệnh tiểu đường loại II: Một số nghiên cứu cho biết rằng việc uống mướp đắng mỗi ngày sẽ giúp làm giảm lượng đường trong máu thông qua việc tăng cường trao đổi glucose
Những tác hại nguy hiểm từ mướp đắng
Mặc dù mướp đắng được biết đến như một thực phẩm hỗ trợ tốt cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, nếu chúng ta quá lạm dụng và dùng sai cách có thể gây hậu quả xấu và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Dưới đây là những lưu ý, chúng ta cần phải cẩn thận khi sử dụng mướp đắng:
- Gây sẩy thai: Nhiều nghiên cứu cho thấy, tình trạng xảy thai có thể xảy ra nếu thai phụ ăn quá nhiều mướp đắng. Do đó, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo thai phụ và những người đang trong kỳ kinh nguyệt không nên ăn mướp đắng.
- Tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản: Việc ăn nhiều mướp đắng sẽ làm một số loại hocmon “tình yêu” gia tăng quá mức cần thiết, tạo ra những thành phần độc tố gây hại trong cơ thể.
- Gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ: Chúng ta không nên cho trẻ ăn những món ăn được chế biến từ khổ qua (nếu chưa trụng khổ qua trong nước sôi trước khi chế biến) vì khi sử dụng khổ qua sống, sẽ gây khó tiêu do phần ruột và hạt bên trong trái mướp đắng còn chứa nhiều thành phần độc tố gây hại cho sức khỏe của trẻ em.
- Hôn mê do hạ đường huyết: Đây là một rối loạn bệnh lý xảy ra khi nồng độ glusoce huyết thanh giảm, gây ra tình trạng thiếu hụt năng lượng, buộc các tế bào não phải tìm kiếm năng lượng từ nhiều nguồn khác nhau do ăn quá nhiều mướp đắng.
- Ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ: Không chỉ gây khó tiêu, phần ruột và hạt bên trong trái mướp đắng còn chứa nhiều thành phần độc tố gây hại cho sức khỏe của trẻ em.
Thùy Dương