Tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (11/04/2019)
Trong những năm gần đây, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đạt được nhiều kết quả nhất định, hệ thống văn bản pháp luật được xây dựng tương đối hoàn chỉnh; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được thực hiện ngày càng đa dạng và phong phú. Công tác kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung dần được triển khai hiệu quả trên thực tế, góp phần cân bằng quan hệ giữa người tiêu dùng và các tổ chức. Công tác thu hồi sản phẩm khuyết tật từng bước được triển khai giúp hạn chế những thiệt hại tới người tiêu dùng. Các tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng triển khai hoạt động, dần khẳng định vai trò là cầu nối giữa người tiêu dùng với cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn những tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém. Quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng, đe dọa đến sức khỏe, an toàn và tính mạng của người tiêu dùng. Một trong những nguyên nhân đó là do năng lực thực thi pháp luật, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa có giải pháp căn cơ, hữu hiệu để ngăn chặn vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng nâng cao khả năng tự vệ. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật chưa đạt yêu cầu, hiệu quả kém.
Công tác giải quyết tố cáo, khiếu nại còn hạn chế. Chưa huy động hiệu quả các nguồn lực và các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Nếu tình trạng này không được khắc phục sớm, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhân dân, mà còn suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng hiệu quả của nền kinh tế và để lại hậu quả nặng nề cho xã hội, đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Trước tình hình đó, để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế yếu kém, nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tháng 01/2019, Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 30 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng với một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể:
- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng; phát huy vai trò tiên phong, giám sát của chi bộ, đảng viên trong công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Có cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ, ngành và địa phương; xây dựng tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và coi đây là một trong những nội dung đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của cá nhân và tổ chức.
- Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy chuyên trách, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Xây dựng cơ chế quản lý nhà nước thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đa dạng hóa phương thức truyền thông, đổi mới nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật. Công khai minh bạch và thông tin rộng rãi, đầy đủ bằng nhiều hình thức phù hợp đến người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa, dịch vụ và cảnh báo những nguy cơ gây mất an toàn cho người tiêu dùng.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng. Có giải pháp căn cơ, hiệu quả phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền lợi, sức khỏe, gây thiệt hại hoặc đe dọa đến tính mạng, an toàn của người tiêu dùng, đồng thời tạo điều kiện cho người tiêu dùng nâng cao khả năng tự bảo vệ.
- Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với việc nâng cao lợi thế cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cạnh tranh quốc gia.
- Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong hoạt động hợp tác về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong khuôn khổ ASEAN và quốc tế. Coi trọng việc tham gia và thực hiện các thỏa thuận song phương, đa phương và các điều ước quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tiếp cận, ứng dụng, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến của các nước, các tổ chức quốc tế.
Nguyễn Nhi