Chuyển đổi số: Xu hướng của doanh nghiệp Việt Nam (30/06/2019)
Nhờ chuyển đối số, nhiều doanh nghiệp đã bức phá tăng trưởng doanh thu, phát triển vươn ra toàn cầu. Theo các chuyên gia, chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.
Có thể hiểu chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số, bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big data), Internet vạn vật (IOT), điện toán đám mây(Cloud)…thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty… Thực hiện điều này, Công ty FSI đã bắt đầu bằng việc đơn giản nhất là ứng dụng công nghệ, quy trình xin nghỉ phép online thay thế cho viết đơn truyền thống, nhân sự chỉ cần điền đơn xin nghỉ theo mẫu trên hệ thống và gửi duyệt ký online, quy trình được rút ngắn chỉ còn khoảng 5 phút và giảm thiểu nhiều giấy tờ in ấn trong văn phòng.
Với Công ty phần mềm MISA, năm 2016 đã tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo vào phần mềm quản lý khách hàng. Năm 2017, MISA đạt tổng doanh thu gần 680 tỷ đồng, tăng đến 60% so với năm 2016, với lượng khách hàng hiện nay hơn 155.000 đến từ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hơn 1 triệu khách hàng cá nhân.
Ông Nguyễn Hồng Minh - Phó tổng giám đốc Công ty Sao Bắc Đẩu cho biết, hiện nay nhóm doanh nghiệp thương mại dễ dàng thực hiện chuyển đổi số bằng cách xác định con đường ngắn nhất là đi từ doanh nghiệp đến khách hàng hoặc người dùng. Trong khi nhóm ngành sản xuất sẽ khó khăn hơn, nhưng lại cần thay đổi nhất để tối ưu hóa nguồn lực sản xuất, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm đến khách hàng.
Trên thực tế, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều rào cản lớn khi làm chuyển đổi số. Rào cản lớn nhất là sự tuân thủ và quyết tâm của người thực hiện, bao gồm cả lãnh đạo và nhân viên. Để thực hiện thuận lợi hơn, Ông Phan Thanh Sơn - Giám đốc Phát triển Kinh doanh Công ty Cổ phần Hệ thống Thông tin FPT cho rằng, các doanh nghiệp nên vừa và nhỏ nên chọn những “mảng nhỏ” của doanh nghiệp chuyển đổi trước, rồi mới thực hiện ở cấp độ lớn hơn và dài hơi hơn. Với thực tế là FPT đã chuyển đổi số chính mình trước tiên bằng việc gia tăng số hóa sản phẩm - dịch vụ của FPT, môi trường làm việc và trải nghiệm nhân viên, rồi kết hợp với các đối tác để cung cấp dịch vụ số hóa cho khách hàng của FPT.
Để chuyển đổi số, các doanh nghiệp phải được thực hiện theo cách tiếp cận 6 bước: Chiến lược (có tầm nhìn, chiến lược chuyển đổi, phân tích đánh giá giá trị các bên liên quan); Hiện trạng (đánh giá hiện trạng và mức độ sẵn sàng số hóa của đơn vị); Tương lai (mô hình vận hành, quy trình, công nghệ,…); Lộ trình (danh mục dự án, kế hoạch thực hiện,…); Triển khai (thực thi, thay đổi về kinh doanh, công nghệ, con người); Giám sát.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số là xu hướng bặt buộc, trong cuộc sống hiện nay, dù doanh nghiệp thích hay không thích nhắc đến, hay nghĩ đến, thì quá trình chuyển đổi số vẫn đang diễn ra từng ngày, từng giờ. Các doanh nghiệp phải thích ứng và gắn với chuyển đổi số và không còn cách nào khác. Nếu thờ ơ, bị động và đứng ngoài cuộc thì doanh nghiệp sẽ tự bị đào thải chính mình khỏi xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nguyễn Nhi