Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phát triển khoa học và công nghệ (15/07/2019)
Với nguyên tắc tích cực, chủ động và bảo đảm độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia, bình đẳng và cùng có lợi; đa dạng hóa, đa phương hóa hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; phát triển khoa học và công nghệ theo chuẩn mực quốc tế và gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước tiên tiến, tranh thủ tối đa cơ hội để nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, nước ta đã triển khai nhiều hoạt động hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ với các nước như: Hoa Kỳ, Liên bang nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào…
Bên cạnh đó, Chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về khoa học công nghệ đến năm 2020 cũng hướng đến mục tiêu nâng cao khả năng phối hợp, tiếp thu, làm chủ các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, sáng tạo ra công nghệ mới, góp phần phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ với giá trị gia tăng cao.
Chương trình tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu: Xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu có tính chất chiến lược, lâu dài về khoa học và công nghệ; xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu về các vấn đề quan trọng, cấp thiết; các nhiệm vụ phục vụ các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia và trọng điểm quốc gia; tham gia các chương trình, dự án nghiên cứu quốc tế, các dự án đầu tư khoa học và công nghệ trên thế giới và trong khu vực, tập trung vào các nội dung khoa học và công nghệ Việt Nam quan tâm, có nhu cầu cấp thiết; phát triển các tổ chức, tập thể nghiên cứu mạnh, đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, gắn với hợp tác nghiên cứu quốc tế, định hướng giải quyết các vấn đề về khoa học và công nghệ, kinh tế - kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hoặc của quốc tế gắn với Việt Nam.
Trong những năm qua, quan hệ hợp tác về khoa học và công nghệ giữa Việt Nam - Hoa Kỹ đã có bước phát triển đáng kể, như: Trao đổi nghiên cứu khoa học, trao đổi dữ liệu vệ tinh quan sát Trái đất, xác định vị trí cho hệ thống trắc địa không gian và hệ thống vệ tinh thám hiểm toàn cầu, nghiên cứu các ứng dụng của khoa học Trái đất vì lợi ích con người, vấn đề phát triển nhân lực trong viễn thám và ứng dụng ở Việt Nam; đào tạo cán bộ ngắn hạn, dài hạn, sau đại học về công nghệ sinh học trong nông nghiệp, tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin về các công nghệ mới như công nghệ chỉnh sửa gen. Phát biểu tại khóa họp của JCM10, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, hai bên tập trung thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực Y tế và khoa học sức khỏe, nông nghiệp và công nghệ sinh học, khoa học bảo tồn, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho các mục tiêu phát triển.
Về phía Hoa Kỳ, bà Judith Garber, Phó Trợ lý Ngoại trưởng thường trực, phụ trách các vấn đề về Đại dương, Môi trường và Khoa học quốc tế cho biết, Việt Nam là đối tác hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ, hai Bên đang hướng tới kỷ niệm 20 năm ký Hiệp định khoa học và công nghệ của hai nước. Trong bối cảnh đó, “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác toàn diện giữa hai nước”.
Trong mối quan hệ hợp giữa Việt Nam - Hàn Quốc về khoa học và công nghệ, nổi bật là việc Chính phủ ra quyết định thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST), V-KIST chính thức khởi động vào ngày 21/11/2017 với đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ trình độ cao, cơ sở vật chất và hệ thống vận hành hiện đại cho công tác nghiên cứu và triển khai, thiết lập cơ chế tự chủ cao và quy trình quản lý tiên tiến góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia về khoa học và công nghệ, hiện đại hóa các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu của Viện V-KIST là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học.
Với Nhật Bản, điển hình là cơ quan phát triển KH&CN (JST) đã có nhiều hoạt động hợp tác nghiên cứu, nâng cao năng lực cho các tổ chức KH&CN Việt Nam thông qua các hoạt động:“Chương trình đối tác nghiên cứu KH&CN phục vụ phát triển bền vững (STATREPS)”, “Chương trình nghiên cứu chung khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Đông Á (e-ASIA JRP)”, Chương trình Giao lưu Khoa học Sakura... Trong đó, Chương trình Khoa học Sakura được tổ chức từ năm 2014 do JST và Ủy ban KH&CN ASEAN (ASEAN COST) phối hợp tổ chức hướng tới mục tiêu nuôi dưỡng niềm đam mê, khát vọng của các nhà khoa học trẻ, cán bộ khoa học trẻ Châu Á thông qua việc tăng cường, cập nhật kiến thức về KH&CN, khuyến khích trao đổi các ý tưởng và quan điểm hợp tác trong môi trường đa phương. Trong 5 năm gần đây, đã có hơn 1.800 người Việt Nam tham dự Chương trình, qua đó, các cán bộ, nhà khoa học trẻ có cơ tiếp thu, nâng cao kiến thức về KH&CN, đổi mới sáng tạo, học hỏi kinh nghiệm về quản lý KH&CN từ các đối tác Nhật Bản cũng như các quốc gia thành viên ASEAN.
Vào tháng 10/2018, tại Moscow, Liên bang Nga và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về sự hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật, nhất trí tổ chức một số hoạt động song phương hướng tới việc phát triển; tăng cường hơn nữa sự hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, khoa học; công nghệ, kỹ thuật giữa hai nước. Trước đó, trong giai đoạn 2016 - 2017, Việt Nam - Liên Bang Nga cũng đã xây dựng kế hoạch hợp tác cụ thể trên cơ sở triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu chung theo các lĩnh vực ưu tiên như vật liệu mới, công nghệ vũ trụ, khoa học sự sống, công nghệ tiết kiệm năng lượng, vấn đề sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên…
Trong mối quan hệ song song giữa Việt Nam - Italy, hai nước đã đạt được những thành tựu về trao đổi chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội quan trọng. Đặc biệt, việc hợp tác phát triển KH&CN trên nhiều lĩnh vực: Nông nghiệp và khoa học thực phẩm, Công nghệ sinh học và y học, Môi trường và biến đổi khí hậu, Công nghệ thông tin và truyền thông, Vật lý ứng dụng, Công nghệ bảo tồn và phục hồi di sản thiên nhiên và văn hóa…. Đến nay, đã có hơn 80 dự án nghiên cứu chung được phê duyệt, khoảng 170 nhà khoa học Việt Nam đã được gửi đến Italia để nghiên cứu và đào tạo tại các trường đại học và viện nghiên cứu để tham dự các khóa học ngắn hạn; 70 nhà khoa học Italia đã được gửi đến Việt Nam để tiến hành nghiên cứu và tư vấn chung cho các nhà khoa học Việt Nam; nhiều nhà khoa học của Việt Nam và Italia có bằng tiến sĩ và thạc sĩ trong các dự án nghiên cứu chung; 100 bài báo khoa học được xuất bản tại Việt Nam, Italia và các tạp chí nổi tiếng khác trên thế giới…
Trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Lào về hoạt động khoa học và công nghệ đã triển khai nhiều nội dung: Sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, thông tin và thống kê KH&CN, công nghệ sinh học, năng lượng mới, công nghệ viễn thám… Ngoài ra, trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng hệ thống chính sách và pháp luật KH&CN, xây dựng cơ sở dữ liệu về KH&CN, hỗ trợ, xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN nhằm giúp các tỉnh của Lào phát triển kinh tế - xã hội... cũng luôn được hai nước quan tâm đẩy mạnh hợp tác.
Với tinh thần tin tưởng lẫn nhau, cùng hợp tác để phát triển, Việt Nam và Cộng hòa Pháp cũng đã có nhiều hoạt động hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, nổi bật là hoạt động hỗ trợ phát triển cho Trường Đại học khoa học và công nghệ Hà Nội trong công tác xây dựng, giảng dạy, hỗ trợ sư phạm, đánh giá các chương trình trình độ đại học, sau đại học; tăng cường hiệu quả của các phòng thí nghiệm chung…mở ra nhiều cơ hội học tập, trao đổi chuyên môn cho các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên của hai nước.
Ngọc Trang