Kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại trên cho cây bưởi (02/08/2019)
Qua khảo sát, nghiên cứu của Ths. Đào Thị Bé Bảy thì cây bưởi đường lá cam ở xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên, có 6 loại côn trùng gây hại là: Sâu vẽ bùa, ấu trùng bướm phượng, rệp sáp, rầy mềm gây hại vào giai đoạn cây ra đọt non, nhện đỏ thường xuất hiện vào mùa nắng và gây hại chủ yếu trên lá bưởi già, bọ trĩ gây hại trên hoa và quả non. Mặc dù các loại sâu hại trên có hiện diện trong quần thể nhưng mức độ gây hại rất ít (dưới 0,01%) do nông dân chủ động phòng ngừa bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật vào giai đoạn cây ra đọt non hoặc phun thuốc trên lá để làm giảm một số nhện đỏ.
Một số bệnh hại như loét lá, đóm đồng tiền trên thân (do sự cộng sinh giữa rêu và nấm) có hiện diện trong quần thể bưởi nhưng mức độ gây hại rất ít (dưới 0,01%) do nông dân có sử dụng thuộc bảo vệ thực vật để phòng trị.
Qua đó, nghiên cứu cũng đưa ra kỹ thuật phòng trừ một số loại sâu hại cho cây bưởi như sau:
Sâu vẽ bùa, là loại bướm rất nhỏ, dài khoảng 2mm, toàn thân có màu vàng nhạt. Trứng rất nhỏ, dài khoảng 0,2-0,3mm, thường được đẻ ở mặt dưới gần gân chính của lá, ấu trùng màu xanh nhạt, trong suốt, dài khoảng 0,4mm và đục thành những đường ngoằn ngèo trên lá tạo thành những ánh bặc rất dễ nhận diện, vòng đời sâu vẽ bùa khoảng 2 tuần. Lá non bị tấn công sẽ không phát triển và co rúm lại, giảm khả năng quang hợp, làm cây sinh trưởng kém, hoa quả dễ bị rụng, nhất là cây con mới trồng. Sâu vẽ bùa gây hại quanh năm khi cây ra đọt non, gây hại nhiều vào tháng 7,8,9. Mức độ gây hại phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết và thức ăn của sâu.
Phòng trị sâu vẽ bùa, nên phun thuốc hóa học đối với những giống nhiễm nặng bệnh ghẻ lá, nguyên nhân chính là do ấu trùng sâu vẽ bùa tạo nhiều vết thương trên lá. Phan thuốc ngay giai đoạn ra lá non, tỉa cành cho ra đọt tập trung, chóng thành thục để hạn chế sự phá hoại của sâu. Khi lá non vừa có triệu chứng thì phun thuốc: Confidor, dầu khoáng SK, Enpray 99EC…
Rầy chổng cánh, dài khoảng 2-3mm, có vệt trắng, khi đậu thì đầu cắm xuống và cánh nhô cao. Chúng ít bay nhảy và thường thấy nhiều trên đọt non để chích hút nhựa và đẻ trứng trên đọt rất non. Trứng rất nhỏ có màu vàng, ấu trùng hình bầu dục, dẹp màu vàng đến xám nâu. Thành trùng và ấu trùng sống trên đọt non chích hút nhựa cây và truyền bệnh. Rầy chổng cánh là môi giới truyền vi khuẩn từ cây bệnh sang cây không bệnh và biểu hiện triệu chứng vàng lá Greening.
Để phòng trị rầy chổng cánh, cần loại bỏ nguồn bệnh ra khỏi vườn bằng cách nhổ các cây bị nhiễm. trồng cây sạch. Tỉa canh, bón phân hợp lý. Trồng cây chắn gió xung quanh vườn. Không nên nên trồng các loại cây thuộc họ citrus như: Nguyệt Quới, Cần thăng, Kim quýt gần vườn bưởi, nhất là vườn ươm sản xuất cây giống. Để quản lý, cần nuôi kiến vàng, dùng bẩy màu vàng để theo dõi rầy. Cây non dưới 7 tháng tuổi áp dụng tưới Condifor xung quang gốc, cây từ 7 đến 12 tháng tuổi áp dụng phương pháp quét lên gốc và cây 2 năm tuổi trở lên thì áp dụng phương pháp sơn lên gốc 2ml/cây/tháng/lần.
Rầy mềm, thường sống tập trung trên các đọt non, chích hút nhựa làm các đọt non không phát triển và co rúm lại, phân chúng ra thành nhiều chất đường mật kích thích nấm bồ hóng phát triển trên lá làm giảm khả năng quang hợp. Rầy mềm là môi giới truyền virus gây bệnh Tristeza trên cây bưởi.
Để phòng trị rầy mềm, cần tỉa cành, chăm sóc đêt cây ra đọt non tập trung. Rầy mềm thường xuất hiện trong giai đoạn ra đọt non của cây, nên chú ý phòng trị trong giai đoạn này bằng các loại thuốc trừ rầy liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Nhóm nhện, cả thành trùng và ấu trùng rất nhỏ, có màu đỏ, vàng lợt hoặc trắng tùy loài; chúng thường tập trung trên lá non hay quả non từ khi đậu quả đến 2 tháng tuổi. Nhóm nhện tập trung trên bề mặt của lá và quả cạp lớn biểu bì tạo thành những chấm nhỏ li ti màu vàng và rụng sớm, đối với quả tạo hiện tượng da cám da lu. Nên phát hiện thật sớm khi vừa đậu quả và phun các loại thuốc trừ nhện cho đến khi quả lớn.
Trong nghiên cứu của tác giả Đào Thị Bé Bảy cũng đưa ra một số triệu chứng của bệnh hại trên cây bưởi và cách phòng trị như sau:
Bệnh Tristeza, bệnh này lây lan qua chiết, ghép hoặc qua rầy mềm. tuy khả năng lan truyền mầm bệnh của rầy không cao, nhưng do số lượng rầy quá lớn nên khả năng lan truyền mềm bệnh rất cao. Để phòng trừ bệnh này, cần trồng giống sạch bệnh được chứng nhận và tích cực diệt rầy mềm bằng các loại thuốc trừ sâu được khuyến cáo theo các đợ ra đọt non để tránh lan truyền mầm bệnh. Tiêu hủy những cây bệnh có triệu chứng lõm thân để tránh lây lan mầm bệnh nguy hiểm, không sử dụng cành ghép từ những cây có triệu chứng bệnh.
Bệnh vàng lá greening, đây là bệnh nguy hiểm và gây hại quan trọng nhất trên cây bưởi, mặc dù so với những cây có múi khác, thì cây bưởi nhiễm tương đối nhẹ hơn. Bệnh lan truyền chủ yếu do cây giống đã nhiễm bệnh và qua nhân giống vô tính như chiết, ghép, lấy mắt ghép từ cây bị bệnh và đặc biệt là do rầy chổng cánh.
Triệu chứng điển hình là lá bị vàng và lốm đốm xanh, lá vàng và có gân xanh, gân lá bị sưng và hóa bần, khô và những lá mới nhỏ lại, mọc đứng lên và cho quả mùa nghịch nhưng rất dễ rụng, quả nhỏ, bị chệch tâm, một số hạt bị thui đen. Để phòng trị, nên trồng cây sạch bệnh được chứng nhận, trồng cây chắn gió. Không nên trồng cây có múi vào vùng có áp lực bệnh quá cao. Không nên sử dụng cây giống trôi nổi không rõ nguồn gốc. Không trồng cây nguyệt quới trong vườn. Phun thuốc trừ rầy chổng cánh vào các đợt ra lá non.
Bệnh loét, ban đầu xuất hiện trên cành, lá non và quả. Đốm bệnh màu vàng sáng, nhỏ như vết kim châm trên lá non, sau đó bệnh phát triển nhanh thành những vết bệnh màu nâu vàng nhạt. Bệnh có thể nhầm lẫn với bệnh ghẻ (sẹo), bệnh loét thể hiện trên cả hai mặt lá, xung quang vết bệnh có màu viền sáng nhưng không làm lá biến dạng, nhăn nheo. Để phòng trị, cần tiêu hủy các cành, lá, quả bị bệnh và dư thừa thực vật trên vườn. Nên trồng cây sách bệnh và phun thuốc định kỳ. Nên quét vôi vào gốc cuối mừa nắng, xới gốc và bón vôi sẽ giúp hạn chế mềm bệnh phát triển.
Bệnh thối gốc chảy nhựa, thường xuất hiện và tấn công trên các vùng trồng có nền đất thấp, kém thoát nước, triệu chứng lúc đầu là vỏ cây bị sũng nước ở xung quanh gốc hay ở cháng 2, cháng 3 của cây, sau đó vỏ bị thối có màu nâu hợp thành những vùng bất dạng, kèm theo lá ứ ra nhựa màu nâu đen và có mùi hôi.
Để phòng trị, cần chọn gốc ghép chống chịu bệnh. Đất trồng phải đắp mô cao ráo, tơi xốp, thoát nước tốt, trồng với khoảng cách hợp lý. Khi vườn có cây bị bệnh, cần cần cạo bỏ và xử lý phần vỏ bị nhiễm bằng thuốc. Cần phun thuốc phòng ngựa định kỳ trong giai đoạn cây cho quả. Bón nhiều phân hữu cơ và cung cấp nấm đối kháng vào trong đất xung quanh gốc cây… nên quét vôi gốc cây mỗi năm từ 1-2 lần vào cuối mùa nắng hay đầu hoặc cuối mùa mưa.
Ngọc Trang