Cây Sachi - giống cây trồng mới ở Việt Nam (03/08/2019)
Sachi Inchi (Plukenetia volubitis L) hay còn được gọi là Peanut Inca, Inca Inchi, Inca nuts là loại thực vật thuộc họ Euphorbiaceae (Thầu dầu) có nguồn gốc từ vùng rừng Amazon gồm 19 loài, phân bố từ Bolivia tới Mexico, phổ biến nhất trong các khu vực Amazon của Peru, Ecuador và Columbia. Trong đó, 12 loài phân bổ chủ yếu ở Nam và Trung Mỹ, 7 loài còn lại phân bố ở các khu vực khác trên thế giới.
Sachi được biết đến là một loại siêu thực phẩm của thế giới với giá trị dinh dưỡng vượt trội của mình. Sachi là một loại cây đa tác dụng, vừa là cây nông nghiệp, cây dược liệu, cây lâm nghiệp, cây lấy dầu… sản phẩm được chế biến từ Sachi rất đa dạng: dầu ăn, thực phẩm, mỹ phẩm, làm bánh…
Vào ngày 14/01/2019 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đã ký ban hành quyết định số 204/QĐ-BNN-TT công nhận đặc cách giống dược liệu mới cho giống Sachi S18. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng trong việc mở rộng SX và phát triển cây Sachi giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị nông sản Việt Nam.
Ở vùng Đông Nam bộ, có Công ty TNHH Nông trại Nhiệt đới (Tropic Farm) ở Tây Ninh đã triển khai cho dự án phát triển cây Sachi với 100.000m2. Với ứng dụng khoa học tiên tiến từ các kỹ sư Nhật bản, cây Sachi được nuôi trồng trong quy trình hữu cơ khép kín 100% để chế biến ra những sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hợp lý và an toàn cho người sử dụng, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi về chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ, việc trồng cây Sachi cũng còn gặp nhiều khó khăn như: Thực hiện canh tác theo quy trình hữu cơ sẽ làm tăng nhân công lao động. Phân hữu cơ và các chế phầm sinh học có tác dụng chậm hơn so với nhiều phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật nên nguồn dinh dưỡng khoáng cung cấp cho cây trồng ở giai đoạn đâu rất chậm và không đầy đủ. Do năng suất không cao, công lao động nhiều nên giá thành sản phẩm từ Sachi thường cao gấp 2-3 lần bình thường, ngoài ra trong nhiều trường hợp sản phẩm có hình thức không đẹp, không bắt mắt.
Cây Sachi và các sản phẩm mới du nhập về Việt Nam nên việc nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế. Đời sống người tiêu dùng Việt Nam còn thấp, nhiều trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm diễn ra nhiều năm qua đã mất lòng tin của người tiêu dùng, do vậy việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ để cung cấp thực phẩm cho thị trường nội địa cũng gặp nhiều khó khăn và thách thức.
Nguyễn Nhi