Kinh tế số: Những vấn đề trọng tâm (12/08/2019)
Trong Hội thảo với chủ đề “Hoàn thiện thể chế và các điều kiện nền tảng để phát triển kinh tế số tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Vũ Đại Thắng dẫn nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore) cho biết, kinh tế số của Việt Nam đạt khoảng 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Trong khi đó một nghiên cứu khác của Tổ chức Data 61 (Australia), GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công (most.gov.vn).
Theo nhóm cộng tác kinh tế số Oxford, Kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số”, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet. Kinh tế số bao gồm tất cả các lĩnh vực và nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng…) mà công nghệ số được áp dụng.
Hiện nay, nền kinh tế thế giới đang thay đổi một cách sâu rộng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hoạt động kinh tế dựa trên các công nghệ kỹ thuật số. Về bản chất, đây là các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số như các trang thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến hay các ứng dụng về ăn uống, vận chuyển, giao nhận,… cũng tích hợp công nghệ số để đáp ứng nhu cầu thuận tiện cho khách hàng. Nhưng ở tầm vĩ mô hơn, kinh tế số cũng có những đóng góp không nhỏ trong sự hội nhập của các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi công nghệ toàn cầu.
Kinh tế số bao gồm các thị trường kinh tế dựa trên các công nghệ kỹ thuật số để giúp cho việc giao dịch, trao đổi hàng hóa và dịch vụ thông qua thương mại điện tử được dễ dàng hơn. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, “kinh tế số” là một phần của nền kinh tế trong đó bao gồm các mô hình kinh doanh tạo ra sản phẩm, dịch vụ số hoặc hỗ trợ cung cấp dịch vụ số cho doanh nghiệp. 20 năm qua, các bộ, ngành đã chuẩn bị cơ chế, chính sách trong xây dựng hạ tầng về phát triển công nghệ số.
Như vậy, để phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam, trước tiên cần phải sửa đổi luật giao dịch điện tử cho phù hợp với xu thế phát triển, đẩy mạnh thương mại điện tử, hướng đến nền kinh tế số, mở rộng thị trường chứng thực chữ ký số, đảm bảo an toàn tin cậy trong giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, xây dựng một Chính phủ điện tử hiện đại cũng là một nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, phải ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo trong tất cả lĩnh vực nhằm tạo động lực cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế nước ta.
Hồng Phước