Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam: Tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW (21/08/2019)
I. Công tác quán triệt Chỉ thị số 42-CT/TW
Thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 16/4/2010 và Hướng dẫn số 106-HD/BTGTW, ngày 25/5/2010 của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 01-CT/TU, ngày 12/10/2010 chỉ đạo quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW đến các ngành, địa phương, đơn vị trong Tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Dương (sau đây gọi tắt là Liên hiệp Hội) tổ chức quán triệt, triển khai Chỉ thị của Trung ương và của Tỉnh ủy cho đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh và cấp huyện trong Hội nghị báo cáo viên định kỳ do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức; Liên Hiệp Hội đã tập trung tuyên truyền Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 01- CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trên Bản tin Đất Thủ, Website của Liên hiệp Hội đến toàn thể hội viên.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đã có Công văn số 1448-CV/TG, ngày 03/2/2014 về việc Hướng dẫn tuyên truyền Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị 01-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đấy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến các ngành, địa phương và các phương tiện thông tin đại chúng của Tỉnh.
II. Công tác thể chế hóa:
Trên cơ sở vận dụng các chủ trương, chính sách của Trung ương, sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, tỉnh Bình Dương đã ban hành một số chủ trương, chính sách nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp Hội.
UBND Tỉnh ban hành Quyết định số 1641/QĐ-UBND, ngày 07/6/2011 “về việc công nhận hội có tính chất đặc thù tỉnh Bình Dương”, trong đó, công nhận Liên hiệp Hội là 01 trong 20 hội có tính chất đặc thù phù hợp với đặc điểm và tình hình của địa phương; Quyết định số 925/QĐ-UBND, ngày 09/4/2012 “về chính sách, chế độ, quyền và nghĩa vụ của các hội tính chất đặc thù tỉnh Bình Dương” và Quyết định 01/2016/QĐ-UBND, ngày 13/01/2016 về việc ban hành Quy định hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội, trong đó giao nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội cho Liên hiệp Hội Tỉnh.
III. Thực trạng về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Bình Dương
1. Việc củng cố kiện toàn và phát triển tổ chức của Liện hiệp Hội và các Hội thành viên
- Về mô hình tổ chức cơ quan Liên hiệp Hội: Tỉnh đã bố trí cho Liên hiệp Hội có trụ sở riêng. Đến nay, Liên hiệp Hội có Chi bộ đảng trực thuộc Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp Tỉnh và có các tổ chức Đoàn thể như: Công đoàn và Đoàn Thanh niên. Bộ máy Văn phòng Liên hiệp Hội được tổ chức theo tinh thần đổi mới công tác văn phòng của Liên hiệp Hội Việt Nam, được đầu tư trang thiết bị, phương tiện đảm bảo hoạt động thường xuyên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã thành lập và thường xuyên kiện toàn Đảng đoàn Liên hiệp Hội nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Liên hiệp Hội.
- Về tổ chức hội thành viên: Đến nay, hệ thống Liên hiệp Hội có 18 hội thành viên với 351 tổ hội và 05 đơn vị trực thuộc với gần 24.000 hội viên. Các hội thành viên đã tăng nhanh về số lượng hội viên; Liên hiệp Hội đã thành lập Trung tâm Việt Robot Bình Dương trực thuộc Liên hiệp Hội để thực hiện nhiệm vụ tư vấn, dịch vụ khoa học công nghệ trong và ngoài Tỉnh; thành lập Trung tâm Dưỡng sinh Bình Dương để phục chăm sóc sức khỏe Nhân dân; các Hội thành viên đã mở rộng chi hội ở cấp thành phố, huyện, thị như: Hội Nạn nhân chất độc Da cam – Dioxin, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Hội Sinh vật cảnh... tăng gần 10.000 hội viên so với thời gian trước.
2. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Liện hiệp Hội
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện cho Liên hiệp Hội trong hoạt động nhằm phát huy có hiệu quả vai trò tổ chức chính trị - xã hội của trí thức, thể hiện vai trò là cầu nối giữa chính quyền với trí thức. Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, Liên hiệp Hội đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động bảo đảm tính dân chủ, tôn trọng pháp luật, phát huy tư duy sáng tạo, tính tích cực trong nghiên cứu khoa học của hội viên. Xây dựng Quy chế phối hợp giữa Liên hiệp Hội và các sở, ban, ngành, các đoàn thể Tỉnh nhằm thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện, đào tạo, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Liên hiệp Hội đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quan trọng trong tập hợp và đoàn kết các cán bộ khoa học và kỹ thuật trong ngành mình để thực hiện các nhiệm vụ như: nghiên cứu khoa học, đào tạo và phổ biến kiến thức cho hội viên và cho quần chúng, đưa nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Ngoài ra với đặc thù của mình mỗi hội thành viên trong hệ thống Liên hiệp Hội còn thực hiện nhiều nhiệm vụ xã hội khác.
Hình thức thông tin cho hội viên và phổ biến kiến thức chủ yếu qua kênh tạp chí, tờ tin của các hội thành viên. Hiện nay, một số hội thành viên đã có bản tin riêng như: Hội Khoa học Lịch sử, Hội Laser y học, Hội nạn nhân chất độc da cam-dioxin…Việc phổ biến kiến thức và nâng cao trình độ hội viên còn được thực hiện dưới dạng các hội nghị, hội thảo khoa học, đây là một kênh thông tin về khoa học- công nghệ rất quan trọng. Ngoài ra, trong quá trình hội nhập các hội nghề nghiệp đã góp phần đáng kể làm cho Nhân dân cả nước, quốc tế hiểu rõ hơn về hình ảnh đất và người Bình Dương, thông qua hoạt động thương mại (như Hiệp hội Sơn mài – Điêu khắc, Hiệp hội Dệt may…).
Công tác đào tạo, đào tạo lại cho hội viên và quần chúng được Liên hiệp Hội hết sức quan tâm và đã tổ chức được nhiều khóa học ở các lĩnh vực chuyên ngành khác nhau với chất lượng và nội dung thiết thực được xã hội thừa nhận, một số đơn vị làm tốt công tác này như: Hội Laser Y học, Hội Tin học, Hội Điều dưỡng, Hội Sinh vật cảnh, Hội cá cảnh, Hội Đông y.. và một số đơn vị nghiên cứu triển khai và làm dịch vụ khoa học và công nghệ khác. Hoạt động nghiên cứu khoa học, giảm nghèo, phát triển cộng đồng và tư vấn, phản biện và giám định xã hội được thực hiện thường xuyên với sự tham gia của nhiều chuyên gia liên ngành và chuyên sâu đã thu được những kết quả đáng khích lệ.
3. Những đóng góp nổi bật của Liên hiệp Hội đối với sự phát triển kinh tế văn hóa xã hội, khoa học – kỹ thuật của Tỉnh trong 10 năm qua:
Trong những năm qua, Tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để Liên hiệp Hội tổ chức các hội nghị triển khai phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho các nhà khoa học, các hội viên của mình kịp thời nắm bắt thông tin; tổ chức nhiều buổi tọa đàm, diễn đàn khoa học để trí thức khoa học và công nghệ trong và ngoài Tỉnh phát huy tiềm năng sáng tạo, thẳng thắn phát biểu ý kiến về các vấn đề kinh tế - xã hội của Tỉnh. Liên hiệp Hội đã tham gia đóng góp ý kiến vào các chương trình, đề án, các hội nghị, hội thảo của Tỉnh, của các ngành, các cơ quan khi được mời, tham gia các hội đồng khoa học của Tỉnh.
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội được phát huy hiệu quả, Liên hiệp Hội đã tổ chức và tham gia phản biện gần 20 đồ án quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Tỉnh. Các nội dung phản biện và các ý kiến đề xuất của Liên hiệp Hội được lãnh đạo Tỉnh và các ngành hữu quan đánh giá cao. Liên hiệp Hội đang tiếp tục cố gắng tập hợp lực lượng trí thức để triển khai hoạt động này với quy mô và mức độ lớn hơn, nhất là đối với các đề án, dự án, công trình quan trọng của Tỉnh, có liên quan nhiều đến lĩnh vực xã hội và môi trường, giao thông, xây dựng, quy hoạch dân cư,... Một số hội thành viên đã có nhiều hoạt động tư vấn, phản biện mang tính chuyên ngành như hội Kiến trúc sư, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Hội Chăn nuôi – Thú y,... .
Liên hiệp Hội đã tích cực tổ chức các buổi đóng góp, lấy ý kiến của trí thức khoa học - công nghệ đối với các chương trình, dự án, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh như: lấy ý kiến đóng góp cho các đề án phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; Dự thảo văn kiện đại hội Đảng các cấp; Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; dự thảo luật KHCN (sửa đổi); báo cáo và đề án sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 27-NQ/TW của Trung ương khóa X “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước"; tham gia phản biện đồ án quy hoạch kiến trúc Trường Đại học Thủ Dầu Một; tham mưu đề xuất cho các công trình tham dự giải thưởng Kiến trúc Việt Nam; tham gia nhận xét đánh giá hiện trạng môi trường các làng nghề trên địa bàn tỉnh Bình Dương và đề xuất các giải pháp quản lý bụi – khí thải – chất thải rắn, nguy hại; tham gia trong Hội đồng tư vấn để góp ý các chương trình dự án trong đó có Chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 – 2015; Đề án nâng cao tỷ trọng nội địa hóa, hàm lượng công nghệ, tri thức trong các sản phẩm xuất khẩu chủ lực và dịch vụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến 2025; Đề án phát triển chế biến gỗ tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án định hướng ngành nghề, dự án kêu gọi thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Đề án phát triển ngành cơ khí tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; góp ý Báo cáo nghiên cứu khả thi đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu ngành công thương của Sở Công thương; tham gia hội đồng thẩm định “Nghiên cứu đánh giá khả năng khai thác xuống mức -150m cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp, TX Dĩ An; tham gia hội đồng thẩm định “Nghiên cứu đánh giá khả năng khai thác xuống cote -150m cụm mỏ đá Thường Tân III-IV, huyện Bắc Tân Uyên”;…
Hoạt động thông tin, phổ biến kiến thức được tổ chức sâu rộng, công tác thông tin, phổ biến kiến thức luôn được Liên hiệp hội quan tâm tăng cường và nâng cao chất lượng. Bản tin Đất Thủ ra đều đặn 01 tháng/01 số với 500 bản, với chất lượng ngày càng được cải tiến về nội dung và hình thức, giới thiệu các sự kiện nổi bật của Tỉnh nhà, kết quả nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, các thông tin khoa học, công nghệ mới. Đây cũng là tiếng nói, diễn đàn của đội ngũ trí thức Tỉnh nhà. Đến nay, Liên hiệp Hội đã xuất bản được 120 số Bản tin Đất Thủ với hơn 60.000 bản, phát hành đến các Hội thành viên và 63 tỉnh, thành trong cả nước. Trang Thông tin điện tử tổng hợp của Liên hiệp Hội đã được cập nhật thường xuyên, đặc biệt là các thông tin về nghiên cứu, ứng dụng, triển khai các đề tài, công trình khoa học, kỹ thuật, các mô hình phát triển kinh tế... lượng người truy cập ngày càng tăng, bất cứ thời điểm nào cũng có hàng chục đến hàng trăm lượt người truy cập. Theo thống kê, đến thời điểm này có gần 4.860.870 lượt người truy cập.
Hoạt động khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo kỹ thuật, ứng dựng khoa học công nghệ vào cuộc sống được đẩy mạnh thông qua tổ chức giải thưởng, hội thi, cuộc thi, đã tổ chức thành công với 23 lần tổ chức cuộc thi và hội thi, các hoạt động sáng tạo khoa học công nghệ trên địa bàn Tỉnh ngày càng có những bước tiến quan trọng cả về số lượng và chất lượng các đề tài, công trình và giải pháp tham dự. Liên hiệp Hội Tỉnh được đánh giá là một trong những đơn vị có nhiều đề tài, công trình và giải pháp công nghệ được tham dự, được đánh giá cao từ Ban Tổ chức Giải toàn quốc. Đến nay, đã có hơn 11.000 mô hình, sản phẩm và gần 450 công trình giải pháp tham gia các cuộc thi, hội thi. Nhiều đề tài khoa học, công trình dự thi đạt giải đã được triển khai ứng dụng rộng rãi, góp phần tạo ra hiệu quả kinh tế xã hội trong và ngoài Tỉnh.
Các cán bộ khoa học Liên hiệp Hội Tỉnh và các hội thành viên đã thực hiện nhiều đề tài, dự án, nghiên cứu khoa học phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh. Các dự án tiêu biểu như: Dự án “Giáo Dục Môi Trường” cho học sinh cấp II; Dự án Nâng cao nhận thức về vấn đề Môi trường chung, Đa dạng sinh học, bảo tồn Đa dạng sinh học và phổ biến kế hoạch hành động Đa dạng sinh học của Bình Dương; Dự án Phổ biến những qui định chung về môi trường cho các Công ty hoạt động trong lĩnh vực Dệt may và Sơn mài Điêu khắc trong địa phận tỉnh Bình Dương; Dự án Nâng cao nhận thức về vấn đề Môi trường cho sinh viên ngành sư phạm tỉnh Bình Dương; Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Triển khai Dự án “Tiết học xanh” trên 10 trường tiểu học của tỉnh Bình Dương; Triển khai Dự án “Túi nilon - hiểm họa của môi trường và sức khỏe con người”. tuyên truyền tại các xã, phường, các chợ, các trường THCS trong địa bàn thành phố Thủ Dầu Một; Dự án Bệnh viện 1.500 giường, Dự án Bệnh viện Nhi, Dự án Bệnh viện Ung Bướu; tham gia tư vấn, phản biện các đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến lĩnh vực y tế do Sở Khoa học - Công nghệ chủ trì; phối hợp với Viện Quy hoạch và Phát triển đô thị Bình Dương nghiên cứu đề tài khoa học về “Xây dựng cảnh quan khu vực bờ Đông sông Sài Gòn, tỉnh Bình Dương như là một điểm nhấn của bản sắc lịch sử văn hóa Bình Dương theo tiêu chí đô thị bền vững - đề xuất các giải pháp quy hoạch – kiến trúc và ứng phó với biến đổi khí hậu”; giám sát sự lưu hành và định lượng vi rút cúm gia cầm H5N1 trên địa bàn tỉnh Bình Dương bằng phương pháp Real-time PCR; đánh giá một số yếu tố liên quan đến lượng vi rút PRRS và dịch tả heo lưu hành ở hộ, trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Dương;… .
4. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với Liên hiệp Hội Tỉnh:
Nhằm tăng cường sự lãnh đạo đối với Liên hiệp Hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 174-QĐ/TU, ngày 18/4/2011 về việc thành lập Đảng Đoàn Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Dương với chức năng, nhiệm vụ là lãnh đạo Liên hiệp Hội thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; phối hợp tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức; chỉ đạo xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức và thực hiện công tác cán bộ trong Liên hiệp Hội theo đúng đường lối, chủ trương và quy định của Đảng về công tác cán bộ. Đảng Đoàn do đồng chí Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh kiêm Chủ tịch Liên hiệp Hội làm Bí thư, đồng chí Phó chủ tịch Thường trực Liên hiệp Hội làm Phó Bí thư, các ủy viên gồm lãnh đạo: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ. Ngày 25/11/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 1422-QĐ/TU về việc chỉ định, bổ sung kiện toàn Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Tỉnh, nhiệm kỳ 2013-2018, theo đó phân công đồng chí Chủ tịch Liên hiệp Hội chuyên trách làm Bí thư Đảng đoàn, đồng chí Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiêm Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội làm Phó Bí thư, các ủy viên gồm lãnh đạo: Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Phó chủ tịch Thường trực Liên hiệp Hội và Chủ tịch Hội Tin học. Sau khi được thành lập và kiện toàn, Đảng đoàn Liên hiệp Hội đã xây dựng Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Đảng đoàn và tổ chức hoạt động theo quy chế. Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng đoàn Liên hiệp Hội luôn đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, những vấn đề quan trọng Đảng Đoàn luôn đưa ra thảo luận dân chủ trước khi quyết định theo đa số đúng theo Quy chế, từ đó tạo được sự nhất trí cao trong các thành viên Đảng Đoàn, lãnh đạo hoạt động Liên hiệp Hội hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị hàng năm.
III. Đánh giá chung
Nhìn chung, trong thời gian qua, dưới sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND Tỉnh cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của Đảng Đoàn và Ban chấp hành Liên hiệp Hội và các hội thành viên, Liên hiệp Hội đã tổ chức và hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, thu hút đông đảo lực lượng trí thức khoa học và công nghệ, ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, từng bước khẳng định và nâng cao vị trí, vai trò tổ chức chính trị - xã hội của giới trí thức, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Tổ chức bộ máy Liên hiệp Hội từng bước được củng cố và phát triển, đã tập hợp ngày càng đông đảo lực lượng trí thức của Tỉnh thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để phát triển khoa học và công nghệ. Hoạt động tôn vinh các nhà khoa học và đội ngũ làm công tác khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh. Liên hiệp Hội đã có sự chuyển biến tích cực trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, các mục tiêu, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh; phát huy được vai trò tập hợp đội ngũ trí thức tham gia triển khai các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, triển khai các hoạt động khoa học công nghệ ngày càng nhiều và có chất lượng hơn, thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật… góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW trên địa bàn Tỉnh cũng còn một số khó khăn, hạn chế như: kết quả hoạt động của Liên hiệp Hội chưa tương xứng với khả năng và tiềm năng của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trên địa bàn; việc tổ chức thực hiện hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội và thực hiện vai trò điều hoà, phối hợp hoạt động với các hội, các tổ chức thành viên còn hạn chế; chưa tổ chức được các hoạt động phối hợp liên ngành để huy động sự tham gia của các tổ chức thành viên; tỷ lệ trí thức được tập hợp trong các tổ chức của Liên hiệp Hội còn thấp, nhất là trí thức trẻ, trí thức trong các doanh nghiệp… .
Nguyên nhân những hạn chế trên là do: Việc xác định vị trí, vai trò của tổ chức Liên hiệp Hội chưa có sự thống nhất giữa các văn bản của Đảng và Nhà nước, Chỉ thị số 42-CT/TW xác định “Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là tổ chức chính trị - xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”, nhưng Nghị định 45/2010/NĐ-CP, ngày 21/4/2010 của Chính Phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Quyết định 68/2010/QĐ-TTg ngày 01/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định Liên hiệp Hội là hội có tính chất đặc thù nên Liên hiệp Hội gặp khó khăn về biên chế, kinh phí và cơ chế hoạt động; trong khi hệ thống tổ chức của Liên hiệp Hội khá rộng lớn, lĩnh vực hoạt động đa dạng, nhưng một số thành viên của Đảng Đoàn và Ban Thường vụ, Thường trực Liên hiệp Hội do lãnh đạo một số sở, ngành kiêm nhiệm nên thời gian dành cho hoạt động của Liên hiệp Hội cũng hạn chế; mặt khác, các thành viên chuyên trách số lượng ít, tính chủ động, sáng tạo chưa cao nên chất lượng hoạt động của Liên hiệp Hội có phần còn hạn chế.
IV. Phương hướng thực hiện chỉ thị số 42-ct/tw trong thời gian tới
1.Tiếp tục triển khai quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị tới toàn thể cán bộ, đảng viên, Nhân dân bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến tích cực đối với vị trí vai trò và hoạt động của Liên hiệp Hội, góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại địa phương. Các cấp ủy, chính quyền thường xuyên chú trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường sự phối, kết hợp giữa các cấp, các ngành với Liên hiệp Hội trong triển khai các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các chương trình, đề án, dự án trọng tâm, trọng điểm của Tỉnh. Thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ.
2. Tiếp tục phát triển các hội thành viên mới thuộc các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, bảo vệ môi trường và nông nghiệp. Thành lập các trung tâm tư vấn kỹ thuật, đào tạo, chuyển giao công nghệ của các hội thành viên. Tập trung thu hút lực lượng trí thức trẻ, trí thức trong các cơ quan, doanh nghiệp tham gia hoạt động hội, vận động và tập hợp đội ngũ trí thức khoa học công nghệ là người Bình Dương có trình độ cao tích cực tham gia xây dựng quê hướng, nhằm từng bước thu hút đầu tư, tập hợp đông đảo đội ngũ trí thức tham gia triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ, thực hiện xã hội hóa các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Tỉnh.
3. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Liên hiệp Hội với các đoàn thể chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ của Liên hiệp Hội. Làm tốt nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ của Tỉnh với cấp ủy đảng, chính quyền. Nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức thành viên, cải tiến lề lối làm việc của Đảng Đoàn, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Liên hiệp Hội; hoàn thiện quy chế hoạt động; tăng cường cán bộ có nhiệt tình, năng lực hoạt động hội, phát huy dân chủ, xây dựng tác phong làm việc khoa học, trách nhiệm, hiệu quả ở các cấp hội. Tăng cường cơ sở vật chất cho Liên hiệp Hội đủ điều kiện làm nơi hội tụ trí thức khoa học công nghệ của Tỉnh. Thực hiện tốt việc điều hòa, phối hợp, hỗ trợ hoạt động của các hội thành viên.
4. Tiếp tục rà soát điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về khoa học – công nghệ, giáo dục và đào tạo, chính sách đối với trí thức. Thường xuyên tổ chức gặp gỡ đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với trí thức; tôn vinh những tập thể, cá nhân, nhà khoa học tiêu biểu để kịp thời động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của trí thức. Đẩy mạnh phong trào Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật, Cuộc thi Sáng tạo Thanh, Thiếu niên, Nhi đồng; đồng thời tăng cường hoạt động thông tin phổ biến kiến thức khoa học công nghệ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội, giữ gìn môi trường sinh thái.
Đoàn Công Trang