Nhân lực công nghệ thông tin ở Việt Nam, thiếu hụt ở mức cao (04/09/2019)
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, máy móc đang đang dần thay thế con người trong một số công đoạn sản xuất, nguồn lực nhân công giá rẻ không còn phù hợp mà thay vào đó phải là nguồn nhân lực công nghệ cao, trong đó có nguồn nhân lực công nghệ thông tin.
Theo báo cáo Thị trường tuyển dụng của VietnamWorks - Công ty tuyển dụng lớn nhất Việt Nam thuộc tập đoàn Navigos - thực hiện vào quý 1/2017, ngành công nghệ thông tin hiện đang đứng đầu trong top 10 ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất Việt Nam. Nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thông tin ba năm vừa qua tăng trung bình 47%/năm. Nguyên nhân là do số lượng các công ty tuyển dụng ngành công nghệ thông tin tăng 69% vào thời điểm tháng 11/2016 so với năm 2012, trong đó riêng số lượng công ty phần mềm tăng đến 124%. Tuy nhiên, số lượng nhân sự cung ứng cho ngành này chỉ có mức tăng trung bình 8%/năm.
Như vậy, tính đến năm 2020, Việt Nam cần 1,2 triệu nhân lực ngành công nghệ thông tin, nguồn nhân lực ngành công nghệ thông tin năm 2020 chỉ đáp ứng 58% nhu cầu thực tế. Đây là hồi chuông báo động với thị trường nhân lực ngành công nghệ thông tin Việt Nam.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này một phần là do sinh viên ngành công nghệ thông tin không có định hướng ngành nghề mà mình đang học, không được được trải nghiệm thực tế, đa số học phần các môn học là lý thuyết… khi ra trường, khó xin được việc làm theo kiến thức của mình. Từ việc này cho thấy, khối lượng học lý thuyết của ngành công nghệ thông tin quá nhiều so với số giờ thực hành, trải nghiệm. Bên cạnh đó, sinh viên không được trang bị những kỹ năng làm việc tại doanh nghiệp, kỹ năng xử lý công việc… nên khi ứng tuyển, đa số doanh nghiệp phải đào tạo lại cho phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.
Một vấn đề đặt ra là, khi đào tạo cho sinh viên ngành công nghệ thông tin, phía nhà trường chưa thể liên kết với các doanh nghiệp để đưa một số học phần có thể học trực tiếp tại doanh nghiệp, hoặc liên kết với doanh nghiệp tham gia vào đào tạo một số học phần tại trường, nên kiến thức của sinh viên có được không phù hợp với môi trường thực tế của doanh nghiệp, điều này không chỉ riêng ngành công nghệ thông tin mà còn có những ngành đào tạo khác.
Vấn đề cũng cần quan tâm không kém đó là ngoại ngữ, đây là một kỹ năng bắt buộc phải có đối với nguồn nhân lực ngành công nghệ thông tin. Vì đa số các tài liệu, văn bản hướng dẫn kỹ thuật, phần mềm ứng dụng đều bằng tiếng Anh. Do đó, kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ trong lĩnh vực công nghệ thông tin ngày càng được chú trọng. Nhưng đây lại là rào cản lớn của sinh viên ngành công nghệ thông tin.
Để giải quyết vấn đề này, không chỉ các bạn sinh viên, tân sinh viên phải nỗ lực hơn nữa mà cả nhà trường và doanh nghiệp cần có những kế hoạch, chương trình kết nối hỗ trợ sinh viên nâng cao kiến thức, tích lũy kinh nghiệm góp phần giảm gánh nặng cho nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao trong giai đoạn mới.
Hồng Phước