Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ (10/09/2019)
Kinh tế chia sẻ là một mô hình thị trường lai trong đó đề cập đến mạng ngang hàng dựa trên chia sẻ quyền truy cập vào hàng hóa và dịch vụ. Việc chia sẻ các nguồn tài nguyên như mô hình B2B, mô hình B2C. Nhưng có ba yếu tố chính cho phép chia sẻ các nguồn lực cho một loạt rộng rãi các hàng hóa và dịch vụ mới cũng như các ngành mới. Thứ nhất, hành vi của khách hàng đối với nhiều hàng hóa và dịch vụ thay đổi từ sở hữu đến chia sẻ. Thứ hai, các mạng xã hội trực tuyến và thị trường điện tử dễ dàng hơn liên kết người tiêu dùng. Và thứ ba, các thiết bị di động và các dịch vụ điện tử làm cho việc sử dụng hàng hóa được chia sẻ và các dịch vụ thuận tiện hơn (ví dụ ứng dụng điện thoại thông minh thay vì chìa khóa vật lý) (wikipedia).
Mô hình kinh tế chia sẻ hay nền kinh tế chia sẻ đã phát triển mạnh trong những năm gần đây trên thế giới. Ở Việt Nam, nền kinh tế chia sẻ cũng có nhiều tiềm năng phát triển, điển hình nhiều mô hình đã phát triển trong thời gian gần đây như: Uber, Grab, Traveloka... hoặc sự xuất hiện của hàng loạt start-up trong nước như: Ahamove, jupviec.vn, Cơm mẹ nấu... đã đưa mô hình “nền kinh tế chia sẻ” ngày càng lan tỏa trong mọi ngành, lĩnh vực.
Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thời đại “công nghệ số” bắt đầu phát triển. Theo đó, việc ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực đời sống trở thành xu hướng phát triển tất yếu của xã hội. Dựa trên kinh tế nền tảng, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã đạt được những bước tiến nhanh chóng với sự ra đời của hàng loạt mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng kỹ thuật số. Mô hình kinh doanh mới gần gũi và phổ biến nhất là mô hình kinh tế chia sẻ.
Với quan điểm, quản lý nhà nước cần đảm bảo cho các hoạt động kinh tế hợp pháp được phát triển trong đó có các hoạt động kinh tế chia sẻ; ủng hộ và thích ứng với xu thế phát triển mới của mô hình kinh tế chia sẻ trong điều kiện phát triển rất nhanh của công nghệ số trên thế giới; tạo lập một môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động kinh tế chia sẻ và doanh nghiệp kinh doanh truyền thống; thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới cho việc - triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ; nâng cao năng lực quản lý của bộ máy nhà nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đáp ứng yêu cầu quản lý và thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Khuyến khích các mô hình kinh tế chia sẻ trên cơ sở phù hợp với lợi ích và trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ tại Quyết định số 999/QĐ-TTg.
Đề án thực hiện với mục tiêu, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống; đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng; khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số. Đề án cũng đã định hướng giải pháp quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ:
Các giải pháp thực hiện quyền và trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ trong kinh tế chia sẻ: Nâng cao năng lực để hiểu rõ trách nhiệm cá nhân và doanh nghiệp về khai báo thông tin liên quan đến các hoạt động của kinh tế chia sẻ cho các cơ quan quản lý Nhà nước; xây dựng cơ chế, chính sách giảm thiểu rủi ro cho các bên trong hoạt động kinh tế chia sẻ; giải quyết vấn đề nảy sinh trong kinh tế chia sẻ như vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội; tạo thị trường cho mọi công dân tham gia vào các hoạt động kinh doanh chia sẻ; có chính sách hỗ trợ người cung cấp dịch vụ tham gia vào thị trường.
Nhóm giải pháp thực hiện quyền và trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ trong kinh tế chia sẻ: Nâng cao năng lực hiểu biết và sử dụng dịch vụ kinh tế số, pháp luật về hợp đồng số cho người sử dụng dịch vụ; đảm bảo an toàn lao động và an toàn trong thanh toán các hợp đồng điện tử; các bộ, ngành tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin và dữ liệu với nhau trong công tác điều hành quản lý nhà nước; nhà nước cần xây dựng cơ chế chính sách giảm thiểu rủi ro cho các bên trong hoạt động kinh tế chia sẻ bao gồm cả cơ chế bảo vệ người tiêu dùng.
Nhóm giải pháp thực hiện quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp công nghệ/doanh nghiệp cung cấp nền tảng trong kinh tế chia sẻ: Tiếp tục cải thiện khung khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi và ổn định cho doanh nghiệp nền tảng đổi mới sáng tạo, tiếp cận tài chính, khuyến khích cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hoạt động R&D; tăng cường sự gắn kết giữa doanh nghiệp đổi mới sáng tạo với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học; có chính sách cho phép thử nghiệm trong phạm vi hẹp có thời hạn đối với các hoạt động cung cấp nền tảng có tính mới.
Giải pháp đối với Nhà nước nhằm xây dựng và phát triển hệ sinh thái cho kinh doanh, đầu tư theo mô hình kinh tế chia sẻ: Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống; xây dựng các chính sách tạo chủ động phát triển kinh tế chia sẻ, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp; đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế; xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa chính quyền các cấp và các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề, các hộ kinh doanh; nâng cao năng lực quản lý nhà nước bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, bảo vệ quyền riêng tư của công dân, tổ chức, đảm bảo chủ quyền trên không gian mạng.
Minh Thu