Triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Dương (16/09/2019)
Ngày 11/9/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 4573 về việc triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2019 - 2020 (gọi tắt là chương trình OCOP), nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu sản phẩm OCOP cấp tỉnh hỗ trợ tích cực công tác quản lý nhà nước và kết nối thông tin, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các hội, hiệp hội rà soát, đánh giá tiềm năng và định hướng phát triển các sản phẩm hiện có của địa phương phù hợp với tiêu chí sản phẩm OCOP thông qua việc triển khai xây dựng Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm, định hướng các tổ chức kinh tế nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chí OCOP.
Đồng thời, lựa chọn thực hiện chỉ đạo điểm đối với một số sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh trong 6 nhóm sản phẩm OCOP, bao gồm: Nhóm sản phẩm Thực phẩm; nhóm sản phẩm Đồ uống; nhóm sản phẩm Thảo dược; nhóm sản phẩm Vải và may mặc; nhóm sản phẩm Lưu niệm - nội thất - trang trí; nhóm sản phẩm Dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng OCOP. Qua đó, khuyến khích, thu hút, hỗ trợ các tổ chức kinh tế phát triển sản phẩm mới và đa dạng hóa sản phẩm…
Triển khai đào tạo cán bộ theo Khung đào tạo của Chương trỉnh OCOP (theo Phụ lục 3, Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ); tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý cấp tỉnh theo hình thức TOT trong năm 2019 và thực hiện triển khai sâu rộng đến cấp huyện, xã từ năm 2020. Đồng thời, tổ chức thực hành phát triển ý tưởng sáng tạo sản phẩm, quản lý sản xuất, kinh doanh cho đội ngũ quản lý các doanh nghiệp hợp tác xã, hợp tác xã, hộ sản xuất, đảm bảo tính sát thực, thực tiễn; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trong chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (lĩnh vực nông nghiệp)…
Song song đó, thực hiện xây dựng, đăng ký, đề xuất và triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hoàn thiện công nghệ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và kinh doanh các sản phẩm OCOP; ứng dụng khoa học quản lý trong xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP tại cộng đồng; tăng cường phối hợp với các tổ chức đoàn thể nhằm thúc đẩy những ý tưởng sáng tạo trong phát triển sản phẩm OCOP. Và triển khai các dự án thành phần gồm: Đề án Chương trình OCOP, Dự án phát triển vườn cây ăn quả gắn với du lịch sinh thái, Dự án Bảo tồn và phát triển làng nghề Sơn mài Tương Bình Hiệp; xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; xây dựng hệ thống điều hành, tư vấn thực hiện Chương trình OCOP; tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP trên phạm vi cả tỉnh, để các tổ chức chính trị xã hội và người dân thấy được lợi ích, giá trị kinh tế, giá trị nhân văn khi thực hiện Chương trình OCOP.
Ngọc Loan