Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp: Những nguyên tắc và nội dung (16/09/2019)
Hệ sinh thái khởi nghiệp là tập hợp các doanh nghiệp khởi nghiệp đóng vai trò trung tâm, dẫn dắt và lãnh đạo và các liên quan khác đóng vai trò hỗ trợ, bao gồm nhưng không giới giạn các tổ chức hỗ trợ, các tổ chức tài trợ vốn, các doanh nghiệp lớn, các trường đại học/ viện nghiên cứu, các nhà cung cấp dịch vụ… có mối quan hệ cộng sinh và cùng được hưởng lợi trong việc đạt được mục tiêu giúp hình thành nên doanh nghiệp khởi nghiệp thành công.
Theo tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) định nghĩa hệ sinh thái khởi nghiệp là: “Tổng hợp các mối liên kết chính thức và phi chính thức giữa các chủ thể khởi nghiệp (tiềm năng hoặc hiện tại), tổ chức khởi nghiệp (công ty, quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, hệ thống ngân hàng...) và các cơ quan liên quan (trường học, các cơ quan nhà nước, các quỹ đầu tư công...) và tiến trình khởi nghiệp (tỷ lệ thành lập doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng tốt, số lượng các nhà khởi nghiệp...) tác động trực tiếp đến môi trường khởi nghiệp tại địa phương”.
Với những đánh giá cao về vai trò khởi nghiệp sáng tạo, Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương trong đó có tỉnh Bình Dương đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để loại hình hoạt động này sớm hình thành và phát triển. Nhà nước có vai trò hỗ trợ, tạo dựng môi trường pháp lý hay còn gọi đơn giản là “luật chơi” cho hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển. Sự năng động và hiệu quả của hệ sinh thái khởi nghiệp tùy thuộc vào sự “gắn kết” của các thành phần bên trong hệ sinh thái khởi nghiệp.
Trong chuyên đề hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đầy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Giám đốc Khu công nghệ phần mềm Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mỗi hệ sinh thái khởi nghiệp là duy nhất. Quá trình hình thành và phát triển của mỗi hệ sinh thái khởi nghiệp là duy nhất, phụ thuộc vào đặc thù nền tảng pháp lý, văn hóa, kinh tế - xã hội của địa phương nơi hệ sinh thái hình thành. Tuy vậy, quá trình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp thành công thường tuân thủ một số nguyên tắc chung và trong quá trình triển khai các hoạt động xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp chúng ta không được vi phạm những nguyên tắc này:
- Được dẫn dắt bởi doanh nhân khởi nghiệp thành công.
- Có sự cam kết dài hạn của doanh nghiệp khởi nghiệp thành công.
- Mở.
- Thường xuyên được kích hoạt bởi các hoạt động nâng cao năng lực
Việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp phải do doanh nghiệp khởi nghiệp lãnh đạo chứ không phải là các bên liên quan khác. Khi nguyên tắc này bị xâm phạm thì sự tham gia của các doanh nghiệp khởi nghiệp vào hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ ngay lập tức bị ảnh hưởng tiêu cực và sự năng động của hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ bị giảm sút.
Nguyên tắc sự cam kết dài hạn của doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ khả thi khi các điều kiện “điện, đường, trường, trạm” tại các điểm trung tâm của hệ sinh thái phải đảm bảo tốt để doanh nhân khởi nghiệp thành công đến ống, làm việc và do vậy sẽ một cách tự nhiên đóng góp cho sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp.
Hệ sinh thái khởi nghiệp phải rất mở và các rào cản là tối thiểu đối với các thành viên mới, mong muốn tham gia vào các hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp
Để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp về “chất”, hệ sinh thái phải thường xuyên được kích hoạt bởi các hoạt động nâng cao năng lực của các bên liên quan trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là các doanh nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp chứ không dừng lại ở các hoạt động kết nối đơn thuần.
Để hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp có hiệu quả, địa phương cần phải chọn lựa một hay hai ngành dọc là thế mạnh của địa phương, trong đó các yếu tố của hệ sinh thái khởi nghiệp tương ứng về cơ bản đã tồn tại và tập trung hỗ trợ để củng cố và phát triển nhanh hơn, mạnh hơn. Ưu tiên chọn các ngành dọc có hệ sinh thái tương ứng giai đoạn 2 (giai đoạn xây dựng nên tảng) trở lên.
Những nội dung cơ bản của chương trình hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của địa phương cần được thiết kế xoay quanh các nội dung nhằm thực hiện mục tiêu củng cố 5 yếu tố cốt lõi của hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là yếu tố tài năng (talent). Cần thiết phải sớm đưa các hoạt động đào tạo tư duy khởi nghiệp, nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực khởi nghiệp… vào các bậc học từ trung học phổ thông trở lên. Khung 1 trình bày một số quan điểm cơ bản về hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên.
Một chương trình hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp điển hình sẽ gồm những nội dung cơ bản sau:
- Phát triển và nâng cao năng lực doanh nhân khởi nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp.
- Phát triển và nâng cao năng lực các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp.
- Tăng cường kết nối giữa các bên liên quan trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là liên kết cho doanh nhân/doanh nghiệp khởi nghiệp đến các nguồn lực cần thiết cho hoạt động khởi nghiệp, đặc biệt là: Mạng lưới các nhà cố vấn (mentors), mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần (angel investors).
- Kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp (thành lập doanh nghiệp, phá sản doanh nghiệp, thoái vốn…).
Thu Trang