Bình Dương: Đẩy mạnh phong trào giảm thiểu rác thải nhựa (25/10/2019)
Các sản phẩm từ nhựa, túi nilon ra đời đã mang lại rất nhiều tiện lợi và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mọi người trong xã hội. Theo Chương trình Liên hợp quốc, kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước, hơn 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã được sản xuất, sử dụng, trong đó có khoảng 60% lượng sản phẩm được chôn lấp hoặc thải thẳng ra môi trường. Với đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa, nilong đã và đang gây ô nhiễm môi trường, gây ra những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật trên Trái đất.
Do đó, vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Việc giảm thiểu chất thải nhựa đã trở thành yêu cầu cấp bách và trước hết cần bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và nilong khó phân hủy, đặc biệt là sản phẩm nhựa dùng 1 lần.
Tại Việt Nam, để giảm thiểu, chống ô nhiễm rác thải nhựa, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 15/7/2019 và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn số 5539/BTNMT-TCMT ngày 10/10/2018 phát động phong trào “chống rác thải nhựa”. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4950/KH-UBND ngày 01/10/2019 về việc thực hiện phong trào “chống rác thải nhựa”, với mong muốn tổ chức thực hiện tốt việc ngăn ngừa, giảm thiểu, chống ô nhiễm rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Hồng Nguyên - PGĐ Sở Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại "Lễ phát động phong trào chống rác thải nhựa"
Gian hàng sản phẩm thân thiện môi trường trưng bày ống hút giấy thay thế ổng hút nhựa
Không dừng lại ở đó, Bình Dương còn tổ chức Lễ phát động phong trào giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh, tuyên truyền đến người dân một số nội dung:
- Không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần; hạn chế và từng bước thay thế sử dụng nước uống đóng chai sử dụng một lần trong công sở; không dùng ly nhựa, ống hút nhựa,… sử dụng một lần trong tất cả các hoạt động hàng ngày; thay thế đồ dùng bằng nhựa bằng các đồ dùng làm từ các vật liệu khác dễ phân hủy, thân thiện với môi trường
- Các siêu thị, doanh nghiệp, chợ, trung tâm thương mại sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, khó phân hủy;… đồng thời, khuyến khích người tiêu dùng mang túi khi đi mua sắm, hạn chế hoặc không phát miễn phí túi nilong cho người tiêu dùng.
- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục và lồng ghép nội dung về tác hại của chất thải nhựa và túi nilong khó phân hủy đối với môi trường, hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần vào chương trình giảng dạy ở các cấp tiểu học
- Đẩy mạnh chương trình thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn và nhân rộng ra các nơi khác trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường đầu tư công nghệ, thiết bị để nâng tỷ lệ tái chế túi nilong từ chất thải rắn sinh hoạt, hạn chế chôn lấp…
Đặc biệt, mỗi người đều có thể tham gia tích cực để bảo vệ môi trường và giảm thiểu, chống rác thải nhựa bằng những việc làm thật đơn giản như phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, nhất là đối với chất thải nhựa; sử dụng tiết kiệm nguyên nhiên liệu; trồng nhiều cây xanh; tuyên truyền, vận động mọi người trong gia đình, cơ quan, cộng đồng cùng có ý thức bảo vệ môi trường… Đồng thời, lên án những hành vi gây ô nhiễm môi trường, thói quen sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần hoặc việc lãnh phí tài nguyên, năng lượng…
Thông qua những hành động thiết thực, sự đoàn kết, thống nhất của các cấp, ngành, cộng đồng, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần đẩy mạnh phong trào, cũng như công tác bảo vệ môi trường của tỉnh trong thời gian tới sẽ đạt nhiều kết quả và thành công hơn.
Ngọc Loan