Tiếp tục triển khai thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Dương (01/11/2019)
Phân loại chất thải là một chu trình mà chất thải được chia ra thành nhiều phần khác nhau. Và việc phân loại có thể diễn ra theo phương thức thủ công tại nhà hoặc được thu gom bởi dịch vụ; phân loại một cách tự động bằng máy hay bằng tay (https://vi.wikipedia.org)
Qua 02 năm thực hiện chương trình thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 2017 - 2018, Bình Dương đã đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể, đã xây dựng được mô hình và cách làm hay tại thị xã Dĩ An. Theo thống kê lượng rác thải sinh hoạt sau phân loại trên địa bàn thị xã Dĩ An từ ngày 12/10/2018 đến ngày 28/02/2019, khối lượng chất thải hữu cơ trên 323 tấn và lượng chất thải còn lại trên 130 tấn đã được thu gom và vận chuyển về Khu xử lý chất thải tập trung Nam Bình Dương để xử lý, tái chế… Bên cạnh đó, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh được thu gom, xử lý ngày càng tăng. Một số đơn vị đã thực hiện tương đối tốt việc phân loại rác tại nguồn. Đặc biệt, nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa, quyền lợi và trách nhiệm trong thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ngày càng được nâng cao.(https://baotainguyenmoitruong.vn)
Theo đó, xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại báo cáo số 4966/BC-STNMT ngày 10/10/2019 về kết quả triển khai thực hiện kế hoạch thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh. Ngày 29/10/2019; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 5538/UBND-KT thống nhất tiếp tục thực hiện thí điểm việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến năm 2020 với phạm vi, quy mô như Kế hoạch số 458/KH-UBND ngày 28/02/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Đồng thời, giao Sở Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Dầu Một, UBND các thị xã: Dĩ An, Thuận An và Bến Cát xây dựng chương trình, kế hoạch và bố trí kinh phí để tiếp tục thực hiện thí điểm phân loại rác sinh hoạt tại nguồn và trong quá trình thực hiện, tùy tình hình thực tế các địa phương có thể kiến nghị mở rộng phạm vi, quy mô thực hiện; trong đó, cần lưu ý tập trung xác định mô hình phù hợp cho địa phương; định kỳ 6 tháng tổ chức sơ kết, báo cáo về Sở TN&MT, UBND tỉnh Bình Dương và tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện Kế hoạch thí điểm vào tháng 11/2020.
Cùng với đó, Sở Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương phối hợp với UBND cấp huyện tham gia Kế hoạch và Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương nghiên cứu, xây dựng chính sách miễn hoặc giảm đơn giá phí vệ sinh cho các hộ dân tích cực và thực hiện tốt việc phân loại rác sinh hoạt tại nguồn; đồng thời, vẫn đảm bảo chi trả chi phí này cho các đơn vị thu gom rác dân lập tham gia quá trình thí điểm phân loại rác sinh hoạt tại nguồn để từ đó khuyến khích sự tham gia tích cực trong nhân dân.
Thiên Duyên