Việt Nam: Phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh (01/11/2019)
Y tế thông minh (smart health) được hiểu là việc tăng cường các công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo trong phát triển y tế số nhằm tự động hóa, tối ưu hóa các hoạt động y tế, tạo ra các bước đột phá trong việc chăm sóc sức khỏe người dân.
Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư hội tụ nhiều công nghệ đột phá với công nghệ internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn, điện toán đám may và các công nghệ số khác để thực hiện siêu kết nối, tích hợp các hệ thống số hóa - vật lý - sinh học, giữa thế giới thực và không gian số tạo ra lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất mới, chuyển đổi toàn diện trên tất cả các mặt của cuộc sống, từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh đến cách thức tiêu dùng, giao tiếp xã hội, thậm chí thay đổi chính bản thân con người.
Công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ và tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội trên toàn cầu. Những thay đổi mang tính cách mạng về khoa học, đột phá của công nghệ số dẫn tới xu hướng phát triển và yêu cầu thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu, mô hình kinh tế, xã hội quốc gia cũng như hệ thống quản lý của các ngành, lĩnh vực.
Theo Kế hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của Bộ Y tế, trong giai đoạn 2016-2020 sẽ có 100% bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế có hệ thống thông tin quản lý bệnh viện (HIS), trong đó có 70% bệnh viện tích hợp hệ thống quản lý xét nghiệm (LIS), 50% tích hợp hệ thống thông tin lưu trữ và truyền hình ảnh y học (PACS); thông tin khám bệnh, chữa bệnh giữa các bệnh viện được trao đổi thông suốt, chính xác, bảo mật, đáp ứng yêu cầu công tác chuyên môn, quản lý.
100% bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trao đổi thông tin đầy đủ, thông suốt, chính xác, bảo mật với cơ quan bảo hiểm y tế; có hệ thống giám định, hệ thống thông tuyến bảo hiểm y tế triển khai trên toàn quốc; 100% các đơn vị có hệ thống thông tin tích hợp phục vụ công tác điều hành, quản lý và công tác chuyên môn chủ yếu của đơn vị và có ít nhất 01 bệnh viện thực hiện công tác quản lý khám bệnh, chữa bệnh hoàn toàn trên môi trường điện tử.
Có thể nói, thông qua Kế hoạch này Bộ Y tế đã hướng đến phát triển ngành y tế thông minh. Ngoài các ứng dụng công nghệ thông tin chuyên ngành, còn có ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan của ngành, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng thông tin, nhân lực của ngành.
Trong Đề án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019-2025 cho thấy, ngành y tế đã sẵn sàng về hạ tầng kỹ thuật số như trung tâm dữ liệu y tế quốc gia đang xây dựng, trực tích hợp cho các hệ thống thông tin quy mô quốc gia được hình thành, hệ thống dịch vụ công trực tuyến được hoàn thiện, hệ thống thống kê y tế điện tử và hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân được đưa vào vận hành… ; về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực y tế, ngành y tế đã tiếp cận các công nghệ số như vạn vật y tế kết nối, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn như: (1) Đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, (2) xây dựng hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và kết nối vạn vật trong y tế, (3) triển khai ứng dụng robot phẫu thuật nội soi, phẫu thuật cột sống, phẫu thuật khớp gối khớp háng và phẫu thuật thần kinh, (4) ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ điều trị ung thư tại một số bệnh viện.
Trong mức độ sẵn sàng về quản lý nhà nước và dịch vụ y tế, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về phát triển ứng dụng công nghệ thông tin chuyên ngành; ngành y tế cũng đã ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 1.0 và trong thời gian tới cũng sẽ ban hành 3 chương trình y tế điện tử để đảm bảo mức độ sẵn sàng về chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch và các nhiệm vụ liên quan đến cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Đồng thời, các đơn vị trong ngành y tế, các bệnh viện đều hình thành tổ chức chuyên trách công nghệ thông tin và có cán bộ phụ trách về ứng dụng công nghệ để đảm bảo mức độ sẵn sàng về tổ chức bộ máy và nhân lực số của ngành.
Theo đó, Đề án cũng đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển công nghệ thông tin trong giai đoạn 2019-2020 như: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin y tế; xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh, góp phần thực hiện thành công chương trình sức khỏe Việt nam; xây dựng hệ thống khám, chữa bệnh thông minh; xây dựng nền quản trị y tế thông minh; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các công nghệ thông minh trong y tế; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về y tế thông minh; xây dựng, phát triển nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế.
Trần Phước