Đại học Thủ Dầu Một đào tạo ngành Quốc tế học góp phần cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho quá trình hội nhập quốc tế của tỉnh Bình Dương và cả nước (13/11/2019)
Đặt vấn đề:
Trong xu thế hiện nay, trọng tâm của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, robot, công nghệ nano, công nghệ sinh học… Điều này đòi hỏi các trường đại học phải quan tâm nhiều hơn nữa về giảng dạy liên ngành, nghiên cứu và đổi mới.
Việc chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập trong nhiều năm qua đã góp phần tạo thế mạnh để tỉnh Bình Dương thu hút hiệu quả nguồn vốn đầu tư trong nước và ngoài nước.
Trường Đại học Thủ Dầu Một được thành lập theo Quyết định số 900/QĐ-TTg ngày 24/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Qua hơn 10 năm hoạt động, kết quả đạt được của nhà trường khá toàn diện, quy mô phát triển khá nhanh và đúng hướng. Sứ mệnh của Trường là đào tạo nhân lực có chất lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh Bình Dương, miền Đông Nam Bộ - vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và trở thành trung tâm tư vấn nghiên cứu trong khu vực.
Trong năm học 2019 – 2020, Trường Đại học Thủ Dầu Một tuyển sinh đào tạo: 01 chuyên ngành trình độ tiến sĩ, 9 chuyên ngành trình độ thạc sĩ và 38 chuyên ngành trình độ đại học. Ngành Quốc tế học là một trong những ngành mới tuyển sinh năm đầu tiên của Trường.
Chương trình đào tạo bậc đại học ngành Quốc tế học có mục tiêu chung là đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, có kiến thức và kỹ năng căn bản cũng như chuyên sâu về nghiên cứu quốc tế, quan hệ quốc tế. Đào tạo ngành học mới mẻ và hiện đại này, Trường Đại học Thủ Dầu Một hướng đến cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ quá trình hội nhập quốc tế của tỉnh Bình Dương và cả nước.
1. Khái quát về chương trình đào tạo Quốc tế học
Tên chương trình: QUỐC TẾ HỌC
Trình độ đào tạo: Đại học
Ngành đào tạo: QUỐC TẾ HỌC
Mã ngành: 7310601
Loại hình đào tạo: Chính quy
Khóa: 2019 – 2023
2. Mục tiêu đào tạo
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, người học:
- Có kiến thức cơ bản về lý luận chính trị, an ninh quốc phòng, khoa học xã hội và nhân văn, phương pháp nghiên cứu khoa học làm cơ sở cho việc tiếp thu các kiến thức chuyên môn.
- Tích lũy được những kiến thức chuyên sâu thuộc lĩnh vực Quốc tế học; nắm vững kỹ năng nghiệp vụ và có hiểu biết thực tế liên quan để có thể đảm nhận các công tác gắn với lĩnh vực đối ngoại và hợp tác quốc tế phù hợp.
- Có kỹ năng giao tiếp, kỹ năng học và tự học suốt đời, kỹ năng thích ứng xã hội, kỹ năng làm việc độc lập, tư duy sáng tạo; kỹ năng dẫn dắt về chuyên môn, nghiệp vụ đã được đào tạo.
- Có phẩm chất chính trị, đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật; có thái độ tích cực, tinh thần, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, tổ quốc; có ý thức phục vụ cộng đồng; sở hữu được một hệ thống các giá trị đạo đức nghề nghiệp, tác phong chuyên nghiệp. Có ý thức, khát vọng học tập suốt đời, chủ động hội nhập quốc tế.
3. Khối lượng kiến thức toàn khoá: 120 tín chỉ (TC) chưa bao gồm Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng – an ninh, Ngoại ngữ không chuyên, tin học và kỹ năng xã hội
Cấu trúc chương trình đào tạo:
3.1. Kiến thức giáo dục đại cương: 21 TC (Bắt buộc: 21TC)
3.2. Kiến thức cơ sở ngành: 45 TC (Bắt buộc: 36 TC, Tự chọn: 9 TC
3.3 Kiến thức chuyên ngành: 39 TC (Bắt buộc: 21 TC; Tự chọn: 18 TC)
3.4: Thực tập tốt nghiệp và làm khóa luận tốt nghiệp: 15 TC (Bắt buộc: 15 TC)
4. Cơ hội việc làm:
Sau khi tốt nghiệp, người học có khả năng công tác trên các lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy hoặc phục vụ trong các ngành liên quan đến các vấn đề quốc tế và quan hệ đối ngoại. Cụ thể, họ có thể đảm nhận công việc như:
* Cán bộ đối ngoại:
Làm việc trong một môi trường nhiều trọng trách nhưng vô cùng thú vị. Tiếp cận những cơ hội khám phá các vùng đất mới, các nền văn hoá mới. Đầy vinh dự và tự hào khi bạn có thể là người góp phần quan trọng bảo vệ lợi ích của đất nước, làm cầu nối đưa văn hoá Việt Nam quảng bá trên thế giới.
Những công việc và nhiệm vụ phải thực hiện: Đại diện quốc gia và chính phủ thực hiện công việc đối ngoại, bao gồm: Công bố chính sách và quyết định đối ngoại của nhà nước; Đàm phán các hiệp định; Kí các văn kiện ngoại giao; Tham gia hội nghị quốc tế; Hỗ trợ công tác đào tạo và quản lí cán bộ ngoại giao.
Các yêu cầu về năng lực, tính cách: Lòng yêu nước nhiệt thành, bản lĩnh vững vàng, tinh thần trách nhiệm cao; Trình độ cao về kiến thức và nghiệp vụ; Giao tiếp hiệu quả và Tạo dựng niềm tin; Nhạy bén, tinh tế, chủ động, linh hoạt; Biết xây dựng sự đồng thuận…
Các cơ quan, đơn vị tuyển dụng: Các cơ quan đối ngoại của Đảng và Nhà nước như Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Sở Ngoại vụ các tỉnh và Thành phố, Văn phòng đối ngoại của các cơ quan, doanh nghiệp; Các Tổ chức quốc tế…
Triển vọng nghề: Trong bối cảnh quá trình hội nhập của đất nước ngày càng sâu rộng, nhu cầu hợp tác quốc tế ngày càng cấp thiết. Đây chính là cơ hội để các cử nhân Quốc tế học thể hiện khả năng và đóng góp sức lực vào quá trình đầy năng động và đòi hỏi sự dũng cảm đó.
* Nhà báo:
Với kiến thức và kĩ năng được trang bị, các cử nhân Quốc tế học có đủ khả năng thực hiện công việc của một nhà báo thực thụ, đặc biệt là khả năng thực hiện tốt các trang tin liên quan đến các vấn đề quốc tế.
Những nhiệm vụ và công việc cụ thể: Biên tập các bản tin văn hoá, chính trị, kinh tế quốc tế; Biên tập chương trình; Tiến hành các cuộc phỏng vấn; Làm phóng sự; Dẫn chương trình bằng tiếng Việt và tiếng Anh…
Các yêu cầu về năng lực, tính cách: Có bản lĩnh vững vàng; Năng lực chuyên môn tốt; Tư duy độc lập và óc xét đoán; Sự kiên trì và sự nắm bắt; Trung thực và Khách quan; Giao tiếp năng động và nghệ thuật.
Cơ quan tuyển dụng: Đài truyền hình các địa phương; Đài tiếng nói Việt Nam; Các tờ báo, tạp chí; Báo điện tử; Bộ phận PR của các doanh nghiệp.
Triển vọng nghề nghiệp: Sự phát triển của nền kinh tế đất nước đã ngày càng nâng cao mức sống của nhân dân. Đi kèm với việc cải thiện chất lượng cuộc sống, nhu cầu tìm hiểu và giải trí tăng lên mạnh mẽ. Cung cấp thông tin trở thành một kênh quan trọng đáp ứng nhu cầu tinh thần phong phú và đa dạng đó. Đây chính là cơ hội để các cử nhân Quốc tế học vận dụng kiến thức được trang bị để tham gia một trong những ngành nghề hấp dẫn và thú vị là nghề làm báo.
* Quản lí và điều phối:
Các môn học kĩ năng như Quản trị kinh doanh, Nghiệp vụ ngoại thương, Quan hệ công chúng… được đưa vào giảng dạy nhằm thiết lập khả năng tổ chức công việc của mỗi cá nhân. Quản lí và điều hành các hoạt động kinh doanh hoặc các dự án hỗ trợ phát triển với những quy mô khác nhau, vì thế, nằm trong khả năng của một cử nhân Quốc tế học.
Những nhiệm vụ, công việc cụ thể phải thực hiện: Thực hiện công tác quản trị; Điều hành tổng thể hoặc quản lí từng bộ phận của doanh nghiệp, dự án phát triển…; Thiết lập và xử lí các mối quan hệ bên trong và bên ngoài; Lập kế hoạch, kiểm soát và điều phối dự án.
Các yêu cầu về năng lực, tính cách: Kĩ năng điều hành và tổ chức công việc; Kĩ năng liên kết nhân sự và giao tiếp; Khả năng làm việc với cường độ cao và chịu đựng áp lực công việc; Khả năng làm việc độc lập; Khả năng làm việc theo nhóm với những nền văn hoá và quốc tịch khác nhau.
Cơ quan tuyển dụng: Các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trong và ngoài nước. Các tổ chức kinh tế.
Triển vọng nghề nghiệp: Hội nhập vào một thế giới có tính cạnh tranh cao đòi hỏi các doanh nghiệp phải có một đội ngũ tốt hơn. Do đó, nhu cầu về lao động có các kĩ năng đáp ứng yêu cầu tuyển dụng hiện rất lớn. Đây là cơ hội để các cử nhân Quốc tế học tham gia vào những lĩnh vực rất giàu tiềm năng phát triển.
* Các cơ hội việc làm khác:
Người học sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận công việc ở các cơ sở đào tạo như các Trường Cao đẳng, Đại học… (làm giảng viên giảng dạy các môn về quan hệ quốc tế, lịch sử và văn hoá, kinh tế quốc tế…); Các cơ sở nghiên cứu như Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Nghiên cứu châu Mĩ, Viện Nghiên cứu châu Âu… (làm nhà nghiên cứu về các vấn đề toàn cầu, quan hệ giữa các quốc gia, khu vực và các tổ chức quốc tế…); Các Tổ chức Phi chính phủ trong và ngoài nước (đảm nhiệm các công việc thư kí, điều phối dự án), đặc biệt là các tổ chức nước ngoài của các quốc gia như Mĩ, Liên minh châu Âu…; Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (Nhân viên bộ phận kinh doanh; Quan hệ công chúng, Nghiên cứu thị trường…).
Kết luận:
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, giáo dục luôn được các quốc gia đặc biệt quan tâm và đầu tư lớn nhằm nâng cao chất lượng để tạo ra những sản phẩm tốt thích ứng với thị trường lao động quốc tế.
Mặc dù chương trình đào tạo Quốc tế học là một ngành học mới, nhưng việc xây dựng khung chương trình đào tạo theo chuẩn AUN-QA thể hiện quyết tâm của Trường Đại học Thủ Dầu Một trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, xây dựng thương hiệu uy tín, cạnh tranh, nhằm tạo ra một thế hệ sinh viên bản lĩnh, tự tin và đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Đây chỉ là bước khởi đầu trong một lộ trình dài phía trước, đòi hỏi sự đồng tâm hiệp lực của toàn thể đội ngũ cán bộ giảng viên, nhân viên và sinh viên Nhà trường để đạt được mục tiêu chiến lược trở thành trường đại học thông minh có uy tín trong nước và quốc tế, vào tốp 200 đại học tốt nhất Châu Á, người học có năng lực làm việc trong nước và nước ngoài, góp phần cung cấp nhân lực có chất lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh Bình Dương, miền Đông Nam Bộ - vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ giáo dục và đào tạo (2016), Thông tư Số: 04/2016/TT-BGDÐT - Ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, Hà Nội, ngày 14 tháng 3 năm 2016.
2. Cục quản lý chất lượng (2018), Công văn Số: 769/QLCL-KĐCLGD - V/v sử dụng tài liệu hướng dẫn đánh giá theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng
CTĐT các trình độ của GDĐH, Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 2018.
3. Đại học quốc gia TP.HCM (2016), Tài liệu hướng dẫn Tài liệu hướng dẫn đánh giá chất lượng cấp chương trình theo tiêu chuẩn AUN – QA (phiên bản 3.0), Nxb ĐHQG-HCM.
4. Chương trình đào tạo Quốc tế học (2019), Khung chương trình đào tạo Quốc tế học niên khóa 2019 – 2023.
Nguyễn Hoàng Huế