Túi nilong - tác hại đối với đời sống và sức khỏe con người (21/07/2016)
Trong cuộc sống ngày càng hiện đại, chúng ta hiếm khi thấy người nội trợ nào tự đem theo giỏ đi chợ, siêu thị, mà thay vào đó là những túi nilong với đủ kích cỡ từ chợ đựng hàng đem về.
Với ưu thế nhẹ, bền rẻ và không thấm nước, không hao mòn, có thể tái sử dụng nhiều lần với độ bền và trong thời gian dài… nên túi nilong nhanh chóng có mặt ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, dịch vụ và đời sống xã hội như: Công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, tiêu dùng, giải trí…. Những chiếc túi ấy tuy tiện lợi thật, nhưng hiểm họa ô nhiễm môi trường mà chúng mang lại cũng to lớn không kém. Khi chúng ta sử dụng một chiếc túi chỉ trong vài phút nhưng vài trăm năm sau, chiếc túi ấy vẫn còn gây hại cho môi trường và ảnh hưởng của nó đến sức khỏe con người mà vẫn chưa có ai quan tâm đến.
Những tác hại của túi nilong
Túi nilong gây tác hại ngay từ khâu sản xuất. Theo đó, ra những chiếc túi nilong tiện lợi ấy, được tạo ra từ Polietylen - một loại nhựa dẻo nóng từ dầu mỏ và việc sử dụng bao nilong tràn lan sẽ gây tác động xấu đến môi trường. Và đối với những chiếc túi nilong được nhuộm màu nếu chúng ta sử dụng đựng thực phẩm đã chế biến sẽ gây độc cho thực phẩm do chúng chứa các kim loại như chì, cadimi, những chất gây tác hại cho bộ não và là nguyên nhân chính gây ung thư.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, túi nilong được làm từ những chất khó phân huỷ, khi thải ra môi trường phải mất hàng trăm năm đến hàng nghìn năm mới bị phân huỷ hoàn toàn. Sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước bởi túi nilong lẫn vào đất sẽ ngăn cản oxy đi qua đất, gây xói mòn đất và làm cho đất bạc màu, không tơi xốp, kém chất dinh dưỡng, từ đó làm cho cây trồng chậm tăng trưởng. Nghiêm trọng hơn các nhà khoa học còn phát hiện ra rằng, khi đất và nước bị ô nhiễm bởi túi nilong sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khoẻ con người. Và đặc biệt trong một số loại túi nilon có lẫn lưu huỳnh, dầu hoả nguyên chất khi đốt cháy gặp hơi nước sẽ tạo thành axít Sunfuric dưới dạng các cơn mưa axit rất có hại cho phổi.
Ngoài ra, khi những chiếc túi nilong bị kẹt sâu trong cống rãnh, kênh rạch còn làm tắc nghẽn, gây ứ đọng nước thải và ngập úng, thoái hóa đất. Các điểm ứ đọng nước thải sẽ là nơi sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh, lây truyền dịch bệnh và còn làm mất mỹ quan đô thị.
Song song đó, khi những chiếc túi nilong bị đốt cháy, chúng sẽ tạo thành nhiều khí độc, đặc biệt là chất dioxin có thể gây ngộ độc, ngất, nôn ra máu, khó thở, rối loạn chức năng, giảm khả năng miễn dịch, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết… Đặc biệt, khi phụ nữ mang thai, nếu hít phải loại khí này sẽ làm cho đứa trẻ sinh ra bị mắc các dị tật bẩm sinh.
Một số giải pháp thực hiện hạn chế sử dụng túi nilong
- Sử dụng các loại túi đựng hàng thay thế: Người tiêu dùng có thể chuyển sử dụng từ túi nilong sang các loại túi đựng hàng thân thiện với môi trường như túi giấy; túi vải sử dụng nhiều lần; túi dệt từ sợi nilong sử dụng nhiều lần…
- Khuyến khích các nhà phân phối, nhà bán lẻ hạn chế sử dụng túi nilong: Tuyên truyền, nâng cao ý thức của nhân viên và khách hàng việc giảm sử dụng, tái sử dụng và tái chế túi nilong (loại dùng 1 lần)
- Xây dựng hệ thống thu gom, tái chế sử dụng túi nilong tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, khu dân cư…
- Đánh thuế cao vào các doanh nghiệp sản xuất túi nilong
- Khi đi chợ nên mang giỏ và tùy loại thức ăn dự định mua mà mang kèm hộp đựng thực phẩm như: Hộp dành để các loại thịt, hộp đựng cá hay hải sản, hộp dùng cho thực phẩm ăn liền. Nếu ngại mang hộp đựng thực phẩm thì dùng lá chuối, lá sen khô bọc thức ăn lại.
Cẩm Linh