Bình Dương: Hội đủ các yếu tố xây dựng thành phố thông minh (29/09/2016)
Toàn tỉnh hiện có 28 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 10.000 ha và hơn 2.600 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Trong giai đoạn 2011 - 2015, GDP của tỉnh Bình Dương tăng bình quân 13%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15,7%/năm, phát triển nhanh các khu công nghiệp lớn và thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài. Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, chỉ riêng trong năm 2015, có 216 dự án đầu tư được cấp tương ứng với tổng số vốn đăng ký là 3,28 tỷ USD, tăng 203% so với năm 2014. Các dự án đầu tư cấp mới trong năm 2015 chủ yếu tập trung ngành công nghiệp chế biến - chế tạo. Riêng những dự án có liên quan đến lĩnh vực điện tử chiếm 94% tổng vốn đăng ký cấp mới. Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển, Bình Dương luôn chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông kết nối một cách đồng bộ với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Tây Nguyên… tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đầu tư, phát triển kinh tế tỉnh nhà.
Cải cách hành chính toàn diện
Bộ chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh được xác định trên 8 lĩnh vực, tương ứng với 8 chỉ số thành phần, 34 tiêu chí và 104 tiêu chí thành phần. Kết quả thực hiện cải cách hành chính của tỉnh qua các năm đã đạt được chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp cao trong một số lĩnh vực quan trọng như: Thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một của liên thông; cải cách bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và thực hiện các thủ tục hành chính; cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập; công tác chỉ đạo điều hành; hiện đại hóa hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4685/KH-UBND về cải cách hành chính năm 2016 nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm hành chính công tỉnh và bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả hiện đại cấp huyện, bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cấp xã; Bảo đảm các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đúng quy trình và triển khai thực hiện nghiêm túc; tổ chức bộ máy được sắp xếp theo hướng tinh gọn; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực và chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu đáp yêu cầu nhiệm vụ được giao. Nâng cao chỉ số năng lực cấp tỉnh; chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh; sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Tiến tới thành phố thông minh theo mô hình của Hà Lan
Tại Hội nghị “Thành phố thông minh Bình Dương – Cùng kiến tạo tương lai bền vững” diễn ra ngày 28/3/2016 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Dương do UBND tỉnh Bình Dương và Lãnh sự quán Hà Lan tổ chức, những chuyên gia hàng đầu về công nghệ thành phố thông minh của Hà Lan cam kết hỗ trợ hết mình để xây dựng Bình Dương thành “Thành phố thông minh - Smart City”.
Theo các chuyên gia đến từ Hà Lan, muốn xây dựng và phát triển thành phố thông minh phải áp dụng mô hình “tam giác vàng” hay còn gọi là “ba nhà”. Đây là mô hình kết hợp giữa chính quyền - trường đại học - doanh nghiệp. Trường đại học là nơi tạo ra các ý tưởng mới, doanh nghiệp là chủ sở hữu các sản phẩm công nghệ mới, chính quyền hỗ trợ các ý tưởng, hỗ trợ khởi nghiệp thông qua kinh phí. Hy vọng với mô hình này, nhiều tên tuổi hàng đầu về lĩnh vực công nghệ thông tin trên thế giới sẽ giúp Bình Dương tiến đến thành phố thông minh và thành phố mới Bình Dương sẽ là “phòng thí nghiệm sống” để triển khai những ý tưởng, công nghệ, kế hoạch thông minh.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty đầu tư và phát triển công nghiệp - TNHH Một thành viên (Becamex IDC) cho biết, từ tháng 7/2015 một nhóm chuyên gia Hà Lan đã sang Việt Nam để nghiên cứu, tìm hiểu, đề xuất đề án và hỗ trợ Bình Dương xay dựng một mô hình thành phố công nghiệp hiện đại, bền vững, dựa trên kinh nghiệm phát triển của thành phố Eindhoven. Thành phố này hiện đang lọt vào danh sách một trong những thành phố thông minh nhất thế giới. Cách đây 20 năm, Eindhoven có xuất phát điểm tương đồng với tỉnh Bình Dương. Khi đó, Eindhoven chỉ là vùng đất phát triển công nghiệp nhỏ lẻ và truyền thống, không có sân bay, cảng biển…
Tiến tới thành phố thông minh, Bình Dương đã xác định lấy công nghiệp công nghệ cao và tinh thần khởi nghiệp phát triển thành phố công nghiệp hiện đại. Trong giai đoạn 2016-2020 hướng tới bốn lĩnh vực: con người, công nghệ, cộng đồng doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng - môi trường đầu tư; tiếp tục mời gọi đầu tư, phát triển công nghiệp bền vững của tỉnh, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, sản phẩm có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh lớn; thành lập các vườn ươm doanh nghiệp; tăng cường thế mạnh cạnh tranh chuỗi cung ứng địa phương; phát huy tính sáng tạo, tư duy đổi mới kinh tế; hoàn thiện các cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, lĩnh vực đất đai… Song song đó, Bình Dương còn chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Chính những yếu tố này đã tạo cơ sở cho Bình Dương hội đủ điều kiện để tiến tới thành phố thông minh.
Ngày 13/9, Tập đoàn Braintport (Hà Lan) đã đến tỉnh Bình Dương để thuyết minh Đề án “Xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương”. Cuộc họp này do ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
|
Minh Tiến