Đổi mới sáng tạo để phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (12/12/2019)
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang trở thành xu thế mạnh mẽ trong thập niên vừa qua không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Việt Nam đang thực hiện một số nhiệm vụ lớn, mang tính chiến lược để cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu dựa theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Đổi mới sáng tạo đang là một động cơ quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của một quốc gia, đặc biệt trong nền kinh tế toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện tại. Nền kinh tế khởi nghiệp toàn cầu đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tạo ra 2,8 nghìn tỷ đô la giá trị từ 2016 đến 2018. Đây là mức tăng 20,6% so với giai đoạn trước và nhiều hơn gấp đôi so với năm năm trước. Việc tạo ra giá trị này ngang bằng với nền kinh tế G7 và lớn hơn GDP hàng năm của Vương Quốc Anh. Bên cạnh đó, năm 2018 chứng kiến một khoản đầu tư trị giá 220 tỷ đô la trong tổng số đầu tư của các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ cung cấp các giải pháp phát triển mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, hợp tác toàn cầu nhằm nâng cao khả năng thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Thực chất, đổi mới sáng tạo là cái gốc tạo ra lợi thế cạnh tranh. Nhờ khả năng đổi mới sáng tạo mà các doanh nghiệp thích ứng được với những thay đổi từ môi trường.
Có thể nói, đổi mới sáng tạo sẽ nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực. Đổi mới sáng tạo và công nghệ xóa bỏ những việc làm lương thấp và năng suất thấp, trong khi tạo nên những công việc sinh lợi hơn, kỹ năng cao hơn và được trả lương cao hơn.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là cửa ngõ giao thương với nhiều tỉnh thành, quốc gia, tập trung nhiều công trình dự án đầu tư trọng điểm. Các số liệu thống kê trong nhiều năm qua cũng khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của Vùng trong quá trình phát triển kinh tế đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhất là trong thời đại công nghiệp 4.0.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước. Ngoài ra, đây còn là trung tâm nghiên cứu khoa học lớn, tập trung các trường đại học lớn và uy tín, sở hữu nguồn lao động trình độ cao. Những yếu tố này đã góp phần tạo cơ sở hình thành nên một hệ thống đổi mới sáng tạo. Trong đó, vai trò của doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo là rất quan trọng, ảnh hưởng đến hoạt động đổi mới sáng tạo của cả hệ thống.
Trong bối cảnh khi mà yếu tố đổi mới sáng tạo được chú trọng thì việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ nhằm thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nâng cao năng lực của quốc gia là thực sự cần thiết. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong Vùng cơ bản đã được hình thành. Tuy nhiên, sự liên kết Vùng hiện tại chưa được rõ ràng, chính vì vậy cần phải quan tâm một số giải pháp sau để có thể thúc đẩy sự phát triển và nâng cao năng lực của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo:
Nhanh chóng xây dựng chính sách hỗ trợ hợp lý, đầy đủ và phù hợp với định hướng phát triển chung của Vùng. Tạo lập môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, ban hành các chính sách khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo. Một số tỉnh thành trong Vùng cần triển khai hợp lý chính sách của Chính phủ và đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ các tỉnh thành đi trước và một số nước trên thế giới.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần được ưu tiên thực hiện các chương trình giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở các cấp và thực hiện kết hợp giáo dục lý thuyết với thực nghiệm. Thực hiện cải cách mạnh mẽ hệ thống giáo dục, đào tạo. Nâng cao vai trò của các trường Đại học trong đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khoa học tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thực hiện thúc đẩy các chương trình chia sẻ, kết nối giữa các nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Xây dựng một mạng lưới kết nối với sự quản lý của một đơn vị chuyên nghiệp và sự định hướng hoạt động với mục tiêu phát triển rõ ràng sẽ mang lại một cộng đồng kết nối và chia sẻ có hiệu quả hơn trong Vùng.
Tăng cường nhu cầu liên kết của các chủ thể sản xuất kinh doanh bằng cách thay đổi tư duy của các chủ thể sản xuất kinh doanh trong Vùng về sự cần thiết phải liên kết, phát triển các doanh nghiệp lớn trong Vùng, tăng cường chuyên môn hóa giữa các địa phương trong Vùng.
Tiếp tục thúc đẩy các chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần có thêm với các chính sách khuyến khách các ngân hàng trên địa bàn thực hiện các giải pháp huy động vốn, triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi nhằm giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận được nguồn vốn vay nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt vốn của doanh nghiệp.
Thực hiện cải cách thủ tục hành chính nhằm đơn giản hóa các thủ tục giúp doanh nghiệp triển khai việc kinh doanh có đủ cơ sở pháp lý, tiết kiệm thời gian và đáp ứng nhu cầu thay đổi nhanh của doanh nghiệp.
Nguyễn Ngà