Công nghệ trồng và chăm sóc hoa hồng (20/01/2020)
Từ ngàn xưa, hoa hồng đã được mệnh danh là nữ hoàng của các loài hoa. Đây là loài hoa được yêu thích, không chỉ bởi hương thơm, vẻ đẹp kiêu sa, mà còn vì sự đa dạng về màu sắc, chủng loại, mùi hương. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, rất nhiều giống hoa hồng ngoại nhập đã được đưa về nhân giống và thuần hóa ở Việt Nam.
Tại Bình Dương, một số người yêu hoa, ban đầu đến với hoa hồng vì sở thích, đam mê và dần dần trở thành những nhà kinh doanh hoa thành công. Đồng thời, tạo nên một mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp đô thị. Chẳng hạn như, vườn hoa hồng Phạm Bích nằm trên đường quốc lộ 13, phường Tân Định, thị xã Bến Cát, Bình Dương trong những ngày giáp Tết trở nên nhộn nhịp hơn bởi những người đến tham quan và mua hoa.
Chị Phạm Thị Bích chăm sóc cây hoa hồng cổ Sapa
Tại đây, hàng trăm đóa hoa đang đua nhau khoe sắc, từ hồng cổ Sa Pa, hồng cổ bạch xếp, hồng cổ Đà lạt, hồng cổ Hải Phòng, hồng cổ Sơn La, Bạch Vân Khôi; đến các loại nhập ngoại như hồng leo Pháp, hồng Juliet, Masora, Kida Blue, Pas Dedeuex, Royal, Bishop Thái... mỗi giống hoa đều mang một vẻ đẹp riêng, bởi mùi hương, tầng cánh và sắc màu. Có thể nói, vườn hoa Phạm Bích là một trong những vườn hoa được đầu tư bài bản và đẹp nhất tại Bình Dương, dù quy mô đầu tư không lớn.
Chủ vườn Phạm Thị Bích cho biết, chị khởi nghiệp bắt đầu từ tình yêu đặc biệt với hoa hồng. Sau thời gian sống và lập nghiệp tại Bình Dương, khi có điều kiện chị Bích đã tạo dựng cho mình một không gian nhỏ để trồng hoa. Ban đầu, chị chỉ trồng một vài cây hồng cổ Đà Lạt để thỏa mãn đam mê với loài hoa này. Dần dần, chị Bích đã gầy dựng được vườn hồng với hơn 600 cây và chuyển hẳn sang kinh doanh loại cây này.
Chị Phạm Thị Bích tâm sự: “Ban đầu em chỉ mua hoa về để chơi, trang trí ngôi nhà của mình và để thư giãn những lúc mình mệt mỏi. Sau đó, khi em chia sẻ những bông hoa đẹp lên trang cá nhân thì được nhiều bạn bè gợi ý chia sẻ giống cây cho họ. Lúc đó, em đã nghĩ, đây có thể là một nghề rất thú vị, vừa được ngắm hoa, vừa có thể kiếm thêm thu nhập nên em mạnh dạn cải tạo, mở rộng khu vườn và nhập thêm nhiều giống hoa mới từ nước ngoài, để nhân giống và phổ biến rộng rãi trên thị trường Bình Dương”.
Từ sở thích trồng hoa hồng cổ, hồng ngoại, chị Bích đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu đặc tính, kỹ thuật trồng các giống hoa hồng, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Bình Dương. Từ đó, rút kinh nghiệm và áp dụng kiến thức đã học được qua tài liệu, mạng internet và cả những người bạn trong giới chơi hoa để có phương pháp trồng và chăm sóc hiệu quả nhất. Theo chị Bích, hiện nay phổ biến có hai loại hồng là hồng cổ và hồng ngoại. Hồng cổ thì xuất phát từ Việt Nam có trên 100 năm, do người Pháp mang qua và đã được thuần hóa qua hàng thế kỷ nên rất dễ chăm. Người chơi chỉ cần bón phân bón gốc và tưới hàng ngày là cây có thể phát triển tốt. Tuy nhiên, đối với giống hồng ngoại thì phải có thêm phân bón lá và các loại thuốc phòng bệnh tương ứng với các giống hoa do những giống hoa ngoại thích hợp với khí hậu ôn đới, nhưng khi về Việt Nam, thuộc khí hậu nhiệt đới nên rất dễ mắc nhiều loại bệnh.
Theo kinh nghiệm của Bích, hồng cổ hay hồng ngoại đã thuần dưỡng đều dễ chăm sóc. Người trồng chỉ cần tuân thủ quy trình hướng dẫn sử dụng các loại phân hữu cơ, phân sinh học, thuốc phòng bệnh, cắt tỉa cành lá sau mỗi lần hoa tàn thì cây sẽ phát triển tốt, cho hoa đều và đẹp. Cây hoa hồng phát triển tốt, ra hoa liên tục thì cần phải bón phân định kỳ tuần/lần.
Cụ thể như: Phân bón gốc, phân bón lá và thuốc phòng bệnh. Phân bón gốc thì có thể sử dụng phân NPK, trùn quế, phân hữu chuồng ủ hoai,… phân bón lá có thể sử dụng rong biển, HUD Atonic,.. Ngoài ra, cần chú ý phòng trị những bệnh chủ yếu trên cây hoa hồng như nấm, trĩ. Một lưu ý đối với người mới trồng hoa đó là khi hoa vừa tàn, nên cắt tỉa cành, tính từ bông tàn xuống từ 3 - 4 mắt lá, để mầm cây ra mập hơn, hoa to và nên tỉa những cành tăm để cây tập trung dinh dưỡng nuôi những cành to hơn. Như vậy, chồi và hoa sẽ không nhỏ.
Hiện tại, phần lớn hoa hồng trong vườn hoa Phạm Bích được nhập dưới dạng cây giống từ Thái Lan, Trung Quốc và các vùng Sa Đéc, Hải Phòng, Sapa, Đà Lạt,.. Ở thời điểm giáp Tết, vườn hồng Phạm Bích luôn phải nhập về những giống hoa mới, phục vụ nhu cầu người chơi hoa. Một chậu hoa có giá từ 350 ngàn đến vài triệu đồng, tùy dáng thế, tuổi cây, mùi hương, màu sắc và giống hoa ưa chuộng. Những cây có giá từ một vài triệu đồng trở lên thường thuộc loại giống hồng Tree. Giống hồng có dáng thân thẳng, tán rộng, cho hoa to, hương rất thơm.
Nếu như vườn hoa Phạm Bích chủ yếu phục vụ giới chơi hoa bình dân, thì vườn hồng của Luật sư Dương Minh Ngọc, Phường Bình Hòa, thị xã Thuận An lại chủ yếu dành cho giới có thu nhập cao. Hoa ở đây thường có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Đây cũng là vườn hồng được đầu tư rất lớn, với khoảng hơn 600 cây, trong đó có hơn 100 loại giống hoa quí hiếm và rất khó tìm trên thị trường. Ông Dương Minh Ngọc cho biết: Ông đến với nghề trồng hoa hồng ngoại cũng rất tự nhiên. Là người yêu thích thiên nhiên, yêu hoa cảnh, tình cờ một lần truy cập vào một trang web chuyên về hoa hồng của nước ngoài. Từ đó, ông Ngọc nảy sinh ý tưởng về khu vườn hồng và bắt đầu tập tành sưu tầm các giống hoa đẹp về trồng. Ban đầu, cây trồng phát triển rất chậm, cho hoa nhỏ, cánh mỏng. Sau một thời gian chăm sóc, ông nhận thấy cây hoa tuy ưa khí hậu lạnh, nhưng cũng chịu được nóng. Vì vậy, ông đã thiết kế hệ thống phun sương để làm dịu mát không khí và tạo điều kiện cho cây phát triển tốt hơn.
Những ngày cuối tháng Chạp, vườn hồng của ông Ngọc đua nhau khoe sắc. Hàng trăm cây, với những bông hoa to rực rỡ, tắm mình trong nắng và nước phun sương. Theo ông Ngọc, hoa hồng cổ dù đã thuần dưỡng hay hoa hồng ngoại đều xuất xứ từ Châu Âu nên nếu trồng ở vùng có khí hậu lạnh, mát mẻ thì hoa to và nở quanh năm. Việc đầu tư hệ thống tưới phun sương tự động, giúp điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm thích hợp cho cây. Bên cạnh đó, giá thể cũng chiếm 80% thành công trong việc trồng hoa hồng ngoại. Ngoài ra, quá trình chăm sóc cũng sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học, nhà lưới, kết hợp kỹ thuật chiết, ghép, điều khiển ra hoa, tạo dáng, tạo thế cây. Do vậy, cây phát triển khỏe, bông to, tầng cánh xếp dày, lâu tàn hơn so với các vườn hồng khác.
Ông Dương Minh Ngọc chăm sóc cây hoa hồng cổ Juliet
Theo những người chơi hoa, hồng ngoại có khoảng 1.500 giống hoa. Mỗi một giống hoa lại mang mùi hương, tầng cánh, màu sắc, viền lá khác nhau. Hiện nay có khoảng 500 loại hoa đã được nhập và được thuần hóa, phát triển, ra hoa ở Việt Nam. Trong đó có khoảng 150 loại hợp thổ nhưỡng, khí hậu nên cho hoa đẹp xuất sắc. Những loại hồng cổ như hồng Sa Pa, Bạch Vân Khôi, hồng cổ Hải Phòng... cho hoa rất đẹp, sai hoa và có thể sống tới vài chục, hàng trăm năm nên giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng.
Thú chơi hoa hồng cổ, hồng ngoại mới phát triển được khoảng vài năm nay. Thế nhưng, loài hoa này đã đem lại thu nhập khá cao cho người trồng. Bình Dương là địa phương đang có tốc độ phát triển đô thị mạnh mẽ. Nên có thể nói những mô hình khởi nghiệp từ hoa cảnh cần rất cần khuyến khích nhân rộng; góp phần tích cực vào xây dựng và phát triển nền nông nghiệp và cảnh quan đô thị.
Thu Huyền