Sản phẩm đạt Giải nhất Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bình Dương lần thứ VIII năm 2017 - 2019 (06/02/2020)
1. Giải pháp làm giảm thất thoát nước ở Công ty Cổ phần nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) - gọi tắt là giải pháp làm giảm thất thoát nước ở Biwase
Giải pháp này do tác giả Nguyễn Văn Thiền - Công ty cổ phần nước - Môi trường Bình Dương thực hiện. Giải pháp này được nghiên cứu thực hiện giai đoạn và ứng dụng mang lại hiệu quả cho Biwase, với tỷ lệ thất thoát đã giảm đến mức <10% về việc ổn định áp lực đầu ra bằng biến tần, van điều áp thông minh; phân vùng tách mạng; đồng hồ đo đếm;…
Theo đó, giải pháp thất thoát nước trên hệ thống cấp nước ở Bình Dương ứng dụng cấu phần thí điểm phân vùng tách mạng, chọn vật tư chất lượng tốt được đưa vào ngay từ đầu khi thiết kế dự án, quy định thiết kế mẫu bộ ống nhánh khách hàng. Đồng thời, việc thi công giám sát cũng được chú trọng, góp phần phòng ngừa thất thoát nước, khả năng áp dụng rộng rãi và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Kết quả, tỷ lệ thất thoát từ >60% đã giảm đến mức <10% (kết quả trước khi thực hiện) và trên thực tế đến năm 2018, tỷ lệ thất thoát nước trung bình cả năm trên toàn công ty đạt 5,75%.
2. Nghiên cứu chế tạo hệ thống nội soi di động sử dụng năng lượng tái tạo ứng dụng trong y tế
Giải pháp này do nhóm tác giả Trần Tuấn Anh, Nguyễn Phan Hồng Ân, Trần Hoàng Anh - Trường Cao đẳng Y tế Bình Dương làm chủ nhiệm.
Nhóm tác giả đã sử dụng năng lượng tái tạo mặt trời thông qua Solar Changer Polycrystalline nơi chưa có điện lưới. Bên cạnh đó, hệ thống lưu trữ năng lượng có thể sử dụng để điều trị bệnh nhân liên tục trong vòng 12 giờ. Và toàn bộ hệ thống nội soi nhỏ gọn nên có tính cơ động cao. Đầu típ thu nhận hình ảnh có thể thay đổi chiều dài cho phù hợp với chiều sâu giải phẫu bên trong cơ thể cần khảo sát. Và có thể lưu trữ hình ảnh thu được giúp theo dõi bệnh nhân tốt hơn và làm tư liệu nghiên cứu, giảng dạy cho cán bộ y tế;…
Kết quả nghiên cứu cho thấy, chi phí chế tạo thấp; các linh kiện chế tạo, phụ kiện thay thế, bảo trì rẻ và dễ tìm; có tính linh động cao do trọng lượng nhẹ. Hệ thống lưu trữ năng lượng tái tạo từ ánh sáng mặt trời nên có thể sử dụng nơi vùng sâu vùng xa.
3. Nghiên cứu chế tạo máy phân loại hạt nông sản bằng công nghệ xử lý hình ảnh
Đây là giải pháp nghiên cứu của tác giả Trần Huy Hùng và Trịnh Thanh Sơn - trường Đại học Ngô Quyền thực hiện.
Dựa trên cơ sở nghiên cứu, nhóm tác giả đã chế tạo máy phân loại hạt nông sản dựa trên công nghệ xử lý hình ảnh. Việc ứng dụng giải pháp này giúp tiết kiệm được ít nhất 80% chi phí mua sắm máy phân loại hạt trên thị trường.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc tự làm chủ công nghệ chế tạo và chuyển giao dễ dàng giúp thuận lợi trong áp dụng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tế.
4. Cải tiến thiết kế và chế tạo máy băm chất thải rắn công nghiệp công suất 10-12 tấn/giờ
Giải pháp này do nhóm tác giả Mai Văn Hoàng, Nguyễn Văn Bắc – Công ty cổ phần nước - Môi trường Bình Dương làm chủ nhiệm.
Theo đó, giải pháp này giúp tăng công suất đốt của các lò, giảm thiểu sức lao điộng của người công nhân; khắc phục các lỗi và hư hỏng thường gặp trong quá trình vận hành máy băm như nâng cao tuổi thọ dao băm; tránh tình trạng kẹt rác;…
Kết quả, máy băm đã được ứng dụng hiệu quả trong lĩnh vực xử lý, tái chế chất thải. Ngoài ra, còn có thể ứng dụng thương mại hóa, sản xuất đa dạng với nhiều chủng loại tùy thuộc vào mục đích sử dụng trong nông nghiệp, công nghiệp.
Thanh Tuyền