Quy định mới Hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi (06/02/2020)
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 hướng dẫn chi tiết Khoản 4 Điều 14; Khoản 3 Điều 19; Khoản 3 Điều 38; Khoản 4 Điều 39; Khoản 5 Điều 41; Khoản 8 Điều 43; Khoản 5 Điều 45; Khoản 2 Điều 52; Khoản 4 Điều 53; Khoản 4 Điều 58; Khoản 2 Điều 62; Khoản 2 Điều 63; Khoản 4 Điều 64; Khoản 3 Điều 67; Khoản 2 Điều 68; Khoản 5 Điều 78 của Luật Chăn nuôi.
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến chăn nuôi trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo đó, Nghị định này cũng quy định rõ, thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng sẽ bị xử lý bằng một hoặc một số biện pháp sau:
- Buộc tái xuất: Tổ chức, cá nhân vi phạm phải thực hiện thủ tục tái xuất theo quy định về hải quan và nộp hồ sơ tái xuất về cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi;
- Buộc tiêu hủy: Tổ chức, cá nhân có thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng bị áp dụng biện pháp tiêu hủy phải ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân có chức năng tiêu hủy hàng hóa vi phạm. Nội dung hợp đồng phải nêu rõ biện pháp tiêu hủy để cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi giám sát;
- Buộc tái chế: Tổ chức, cá nhân có thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng bị áp dụng biện pháp tái chế phải thực hiện tái chế sản phẩm theo phương án phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm sản phẩm sau khi tái chế có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng công bố áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng; báo cáo phương án và kết quả tái chế cho cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi để giám sát khi cần thiết;
- Buộc chuyển mục đích sử dụng: Tổ chức, cá nhân có thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng bị áp dụng biện pháp chuyển đổi mục đích sử dụng phải chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm theo phương án phù hợp với quy định của pháp luật; báo cáo phương án và kết quả chuyển đổi mục đích sử dụng cho cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi để giám sát khi cần thiết;
- Buộc cải chính thông tin: Tổ chức, cá nhân có thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng bị áp dụng biện pháp cải chính thông tin phải thực hiện cải chính thông tin sản phẩm theo kết quả kiểm tra thực tế trên nhãn hoặc tài liệu kèm theo trước khi đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường hoặc trước khi sử dụng.
Ngoài ra, đối với các cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi phải đảm bảo yêu cầu sau: Địa điểm cơ sở sản xuất không nằm trong khu vực bị ô nhiễm bởi chất thải nguy hại, hóa chất độc hại; có nhà xưởng kết cấu vững chắc, bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học; khu chứa nguyên liệu, vật liệu, thành phẩm bảo đảm không gây nhiễm chéo; có kho hoặc dụng cụ chuyên dụng để bảo quản những nguyên liệu, sản phẩm có tính đặc thù theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp; có hoặc hợp đồng với phòng thử nghiệm để kiểm tra chất lượng trong quá trình sản xuất;… và có hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/3/2020 và thay thế các văn bản sau: Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 04/4/2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản; Nghị định số 100/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 39/2017/NĐ-CP; Khoản 5 Điều 1 và Điều 3 Nghị định số 123/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; Điều 9, 10 và 11 Nghị định số 66/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm.
Ngọc Loan