Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (18/02/2020)
Trong nền kinh tế tri thức, kết cấu giá trị của sản phẩm, dịch vụ có sự thay đổi cơ bản - hàm lượng vật chất ngày càng giảm và ngược lại hàm lượng trí tuệ không ngừng tăng lên. Trong thời đại 4.0 ngày nay, sở hữu trí tuệ trở thành một trong những công cụ được sử dụng để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Để phát triển toàn diện, bắt kịp tốc độ phát triển của thế giới, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (SHCN) rất được chú trọng. Từ việc hỗ trợ khai thác thông tin sở hữu trí tuệ thế giới cho đến việc hỗ trợ xác lập quyền.
Trong khai thác thông tin sở hữu công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ đã đẩy mạnh các hoạt động đưa thông tin đến người dùng trong cả nước. Trong đó, việc tiến hành “nghiên cứu đề xuất giải pháp kết nối và khai thác hiệu quả thông tin sở hữu công nghiệp phục vụ nhu cầu người dùng tin” đã tổng hợp cơ sở lý luận và thực tiễn về thông tin SHCN, kết nối và khai thác thông tin SHCN. Đánh giá nhu cầu khai thác thông tin SHCN của các nhóm đối tượng cụ thể tại Việt Nam. Đánh giá hiện trạng, xác định những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động cung cấp thông tin SHCN tại Cục Sở hữu trí tuệ và các đơn vị khác. Tạo Mạng lưới kết nối cung - cầu thông tin SHCN giữa cục sở hữu trí tuệ và 10 trường đại học/Viện nghiên cứu, qua đó giúp tăng số lượng đơn đăng ký sáng chế của các trường đại học/viện nghiên cứu tham gia vào mạng lưới. Triển khai thử nghiệm một số dịch vụ thông tin SHCN, bao gồm: Dịch vụ đào tạo kỹ năng tra cứu thông tin SHCN trình độ cơ bản và trình độ chuyên sâu, Dịch vụ tra cứu thông tin nhằm mục đích xác định xâm phạm hoặc để sử dụng tự do các sáng chế…
Không chỉ ở Cục Sở hữu trí tuệ, ở các địa phương cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Năm 2011, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La cũng đã triển khai “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin thiết kế chương trình quản lý và tra cứu cơ sở dữ liệu về sở hữu trí tuệ” nhằm đánh giá hoạt động sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La, nhu cầu quản lý, tra cứu thông tin về sở hữu công nghiệp. Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý thông tin về sở hữu công nghiệp, phục vụ tìm kiếm trên môi trường mạng có tính tùy biến cao, có khả năng thay đổi menu, nội dung dữ liệu và hiển thị dữ liệu theo yêu cầu.
Tại Đà Nẵng, năm 2016 đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý sáng kiến, giải pháp sáng tạo khoa học kỹ thuật và văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp thành phố Đà Nẵng. Nghiên cứu này đã xây dựng cơ sở dữ liệu về sáng kiến, hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu về giải pháp sáng tạo khoa học kỹ thuật, hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu về đơn và văn bằng bảo hộ sở hữu công nghệ…
Đến năm 2019, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đã thực hiện “Thiết lập, duy trì và phát triển cơ sở dữ liệu thông tin trực tuyến về đối tượng sở hữu công nghiệp và công cụ khai thác phục vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Công trình nay góp phần giới thiệu tổng quan về thông tin sở hữu công nghệ và thực trạng cung cấp thông tin sở hữu công nghiệp tại Việt Nam. Nghiên cứu xây dựng hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp. Đồng bộ, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu và các công cụ khai thác cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp. Giới thiệu, quảng bá, xin ý kiến góp ý để hoàn thiện cơ sở dữ liệu và các công cụ khai thác cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp…
Về vấn đề này, vào năm 2007 Chính phủ Nhật Bản cũng đã tài trợ, liên danh Tinh Vân - NCS đã phối hợp triển khai, phát triển hệ thống IPFile thuộc Dự án “Ứng dụng thông tin sở hữu trí tuệ tại Việt Nam”. IPFile gồm hai phần mềm E-filing (phần mềm tạo đơn điện tử) và E-Receiving (phần mềm nhận đơn điện tử). Phần mềm E-Filing do Tinh Vân phát triển cung ứng cho người dùng (các công ty tư vấn SHTT) một công cụ tin học giúp việc tạo, đóng gói và lưu trữ đơn điện tử được tiện lợi, hiệu quả và bảo mật. Phần mềm E- Filing hỗ trợ phương thức chuyển đơn điện tử từ hệ thống của người dùng lên Cục Sở hữu trí tuệ qua mạng trực tuyến cũng như sử dụng các vật mang tin trung gian như CD, thẻ nhớ hay đĩa mềm.
Thanh Tuyền