Bình Dương: Hỗ trợ người dân phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (16/04/2020)
Hệ thống các chính sách về nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam đã sớm được Đảng và Nhà nước quan tâm ngay trong giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới đất nước. Hệ thống chính sách đến nay đã đề cập và xử lý các vấn đề nảy sinh trong phát triển nông nghiệp và xã hội nông thôn. Nhờ có hệ thống chính sách ưu đãi và nhiều cơ chế phù hợp, diện mạo nông thôn được thay đổi. Đời sống người dân nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Có thể nói nông nghiệp là một trong những lĩnh vực đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư nhất hiện nay, trong đó có Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08/01/2010 của Chính phủ về Khuyến nông, nhằm hỗ trợ chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần đổi mới mạnh mẽ theo hướng xã hội hóa, đa đạng hóa nông nghiệp nông thôn và thu hút nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia.
Trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ngày 11/12/2015, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành Nghị quyết số 43/2015/NQ-HĐND8 Về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Dương 2016 - 2020. Đến ngày17/02/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND Quy định về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020 với các mức lãi suất ưu đãi bằng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh (tương đương 3,85%/năm ở thời điểm hiện nay), hạn mức vay ưu đãi từ 80% - 90% tùy theo quy mô của Phương án đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (90% đối với Phương án quy mô từ 01 tỷ đồng trở xuống. 80% đối với Phương án quy mô trên 01 tỷ đồng).
Để người dân nắm bắt được những nội dung chính của chính sách, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, các ban ngành và chính quyền địa phương tổ chức 01 Hội nghị cấp tỉnh, 19 Hội nghị cấp huyện tuyên truyền về các chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp - phát triển nông thôn và phối hợp với Báo Bình Dương tổ chức 01 buổi tọa đàm với gần 2.000 lượt người tham dự; cấp phát trên 1.000 bộ tài liệu và 10.000 tờ rơi. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn thường xuyên phối hợp với Hội Nông dân các cấp, Báo Bình Dương thực hiện các Hội nghị chuyên đề; lồng ghép thông qua các lớp tập huấn, hội nghị tuyên truyền Pháp luật, hệ thống phát thanh xã, phường, thị trấn,… để phổ biến chính sách rộng rãi đến người dân.
Trong giai đoạn 2016-2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời phối hợp với các Sở, ban ngành và địa phương triển khai rộng rãi các nội dung của chính sách cho các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Củng cố và thực hiện tốt công tác tư vấn cho các tổ chức, cá nhân về trình tự, thủ tục xây dựng Phương án vay vốn,… Kịp thời hướng dẫn, tổ chức xét duyệt và chuyển Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh các Phương án đúng nội dung và thời gian quy định. Rút ngắn một nửa thời gian xét duyệt tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (10 ngày làm việc) so với chính sách cũ được ban hành tại Quyết định số 46/2012/QĐ-UBND ngày 16/10/2012 (20 ngày làm việc).
Để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế nhanh và kịp thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh thường xuyên kiểm tra các Phương án đã được thẩm định, xét duyệt cho vay. Nhìn chung các Phương án đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, thực hiện theo đúng với tiến độ đề ra; cây trồng, vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, đảm bảo khả năng trả vốn vay (Không có nợ quá hạn). Điển hình, giai đoạn 2016-2020 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp nhận và xét duyệt 110 Phương án vay. Trong đó, có 104 Phương án đảm bảo nội dung, điều kiện theo quy định với tổng vốn đề nghị vay là 875 tỷ đồng. Các Phương án này được chuyển sang Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh để tiến hành thẩm định và quyết định cho vay; có 05 Phương án không thuộc đối tượng vay vốn; có 01 Phương án Chủ đầu tư rút hồ sơ (Do thay đổi nội dung đầu tư); Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh tiến hành thẩm định 104 Phương án đủ điều kiện từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo Quy chế của Quỹ. Kết quả: Đã phê duyệt cho vay và ký hợp đồng tín dụng với 83 Phương án với tổng mức vốn đề nghị vay 745 tỷ đồng, tổng mức vốn phê duyệt cho vay 640 tỷ đồng (Đã thực hiện giải ngân theo tiến độ 570 tỷ đồng, không có nợ quá hạn). 21 Phương án Chủ đầu tư rút hồ sơ, đề nghị không vay.
Hiệu quả đạt được từ các Phương án vay vốn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng, các mô hình nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng phát triển cả về lượng lẫn về chất; nâng cao hiệu quả sử dụng đất; giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Góp phần nâng thêm: Tổng diện tích trồng trọt ứng dụng công nghệ cao gần 500ha; trên 1,3 triệu gia cầm nuôi lấy thịt; 380 ngàn gia cầm nuôi lấy trứng; trên 40 ngàn heo thịt; 2.520 heo nái đẻ; 01 nhà máy giết mổ và chế biến gia cầm với công suất 24.000 con/ngày…
Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục duy trì phối hợp với Ủy ban nhân dân các địa phương và các ngành chức năng liên quan tăng cường công tác tuyên truyền thông qua các kênh truyền thông, tổ chức tập huấn để phổ biến rộng rãi những nội dung chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường hơn nữa công tác củng cố, nâng cao năng lực thực hiện công tác tư vấn cho các tổ chức, cá nhân về quy trình sản xuất nông nghiệp, chọn giống, chăm sóc, xây dựng phương án vay vốn,… Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký và lập Phương án vay vốn theo chính sách ưu đãi của tỉnh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh để rút ngắn thời gian cũng như trình tự, thủ tục xét duyệt các phương án vay vốn.
Ngọc Trang