Khởi nghiệp theo xu hướng doanh nghiệp xã hội (16/04/2020)
Khái niệm
Hiện nay, loại hình doanh nghiệp xã hội đang ngày càng phát triển tại Việt Nam. Với mục tiêu hoạt động hướng đến cộng đồng và lợi ích chung cho xã hội, các doanh nghiệp xã hội được pháp luật cho hưởng nhiều quy định ưu tiên hơn nhằm khuyến khích loại hình doanh nghiệp này phát triển.
Theo OECD định nghĩa, doanh nghiệp xã hội là những tổ chức hoạt động dưới nhiều hình thức pháp lý khác nhau vận dụng tinh thần doanh nhân nhằm theo đuổi cùng lúc cả hai mục tiêu xã hội và kinh tế. Doanh nghiệp xã hội thường cung cấp các dịch vụ xã hội và việc làm cho các nhóm yếu thế ở cả thành thị và nông thôn. Ngoài ra, doanh nghiệp xã hội còn cung cấp các dịch vụ cộng đồng, trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, môi trường.
Theo Tổ chức hỗ trợ sáng kiến vì cộng đồng - CSIP thì doanh nghiệp xã hội là một khái niệm dùng để chỉ hoạt động của các doanh nhân xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau tùy thuộc vào mục đích và điều kiện hoạt động cụ thể. Doanh nghiệp xã hội lấy lợi ích xã hội làm mục tiêu chủ đạo, được dẫn dắt bởi tinh thần doanh nhân nhằm đạt được cả mục tiêu xã hội/ môi trường và mục tiêu kinh tế.
Theo Luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện: Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật này; mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng; sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.
Doanh nghiệp xã hội có vai trò cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mang tính sáng tạo phù hợp với nhu cầu của cộng đồng có hoàn cảnh đặc biệt (người khuyết tật, người có HIV/AIDS…); Tạo cơ hội hòa nhập xã hội cho các cá nhân và cộng đồng yếu thế thông qua các chương trình đào tạo phù hợp, tạo cơ hội việc làm; Đưa ra các giải pháp mới cho những vấn đề xã hội chưa được đầu tư rộng rãi như biến đổi khí hậu, năng lượng thay thế, tái chế…
Loại hình doanh nghiệp
Doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận: Các doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận thường hoạt động dưới các hình thức như: trung tâm, hội, quỹ, câu lạc bộ, tổ/nhóm tự nguyện của người khuyết tật, người chung sống với HIV/AIDS, phụ nữ bị bạo hành…Họ đưa ra những giải pháp có tính cạnh tranh cao để giải quyết những nhu cầu xã hội cụ thể, do đó có thể thu hút nguồn vốn đầu tư của những cá nhân và tổ chức đầu tư vì tác động xã hội. Các doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận làm tốt vai trò xúc tác để huy động nguồn lực từ cộng đồng để cải thiện đời sống cho những cộng động chịu thiệt thòi
Doanh nghiệp xã hội không vì lợi nhuận: Đa số các doanh nghiệp loại này do các doanh nhân xã hội sáng lập, với sứ mệnh xã hội được công bố rõ ràng. Ngay từ đầu, doanh nghiệp đã xác định rõ sự kết hợp bền vững giữa sứ mệnh xã hội với mục tiêu kinh tế, trong đó mục tiêu kinh tế là phương tiện để đạt mục tiêu tối cao là phát triển xã hội. Lợi nhuận thu được chủ yếu để sử dụng tái đầu tư hoặc để mở rộng tác động xã hội của doanh nghiệp. Việc đưa ra các giải pháp sáng tạo và áp dụng đòn bẩy của thị trường để giải quyết vấn đề xã hội và các thách thức trong lĩnh vực môi trường là điểm khác biệt so với các tổ chức xã hội từ thiện hay các doanh nghiệp thông thường. Phần lớn các doanh nghiệp xã hội thuộc loại này có thể tự vững bằng nguồn thu từ hoạt động kinh doanh và dịch vụ của họ.
Doanh nghiệp có định hướng xã hội, có lợi nhuận: Khác với mô hình doanh nghiệp phi lợi nhuận và không vì lợi nhuận, các doanh nghiệp xã hội ở loại hình thứ ba này ngay từ ban đầu đã nhìn thấy cơ hội và chủ trương xây dựng mình trở thành doanh nghiệp có lợi nhuận với sứ mệnh tạo động lực cho những biến đổi mạnh mẽ trong xã hội hoặc bảo vệ môi trường. Mặc dù có tạo ra lợi nhuận và cổ đông được chia lợi tức, nhưng các doanh nghiệp xã hội này không bị chi phối bởi lợi nhuận.
Xu hướng phát triển
Trên thế giới, doanh nghiệp xã hội đang thể hiện vai trò vượt trội, thuyết phục các nhà đầu tư về hiệu quả kinh doanh song song với tác động xã hội không nhỏ của mình. Tính riêng Vương quốc Anh, hiện có hơn 470.000 doanh nghiệp xã hội và đang giải quyết công ăn việc làm cho hơn 1.44 triệu người. Lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp này là giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, thiên nhiên hoang dã và những vấn đề quan trọng của đời sống xã hội. Hay ở Australia, hiện đang có khoảng hơn 20.000 doanh nghiệp xã hội (thống kê đến năm 2016, giải quyết việc làm cho hơn 300.000 người và tạo ra 2-3% GDP. Trong vòng 10 năm tới, con số này dự kiến tăng lên khoảng 4% GDP và giải quyết việc làm cho khoảng 500.000 người Australia. Thống kê của Hội đồng Anh cũng cho thấy, doanh nghiệp xã hội đang đóng góp khoảng 10% GDP của Pháp, 15% GDP của Italia và 15.9% GDP ở Hà Lan và Bỉ. Theo báo cáo của Hội đồng Anh, mô hình hợp tác xã đóng góp vào GDP của Kenya 45%, cao hơn rất nhiều so với mức đóng góp của cả khu vực công và tư. (tiasang.com.vn).
Tuy nhiên ở Việt Nam, dù có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi tận dụng nguồn lực xã hội vào việc kinh doanh, số lượng những doanh nghiệp đi theo hướng tiếp cận này vẫn không nhiều với nhiều lý do khác nhau như: nhận thức về doanh nghiệp xã hội còn hạn chế, khả năng tiếp cận vốn, thiếu nguồn lực, kỹ năng quản lý, các dịch vụ hỗ trợ kết nối… Mặc dầu vậy, theo kết quả điều tra ở nước ta của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (2018) cho thấy, 50% các doanh nghiệp có mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tiếp đó là tạo cơ hội việc làm cho nhóm ngoài lề (46.7%); bảo vệ môi trường (32%); thúc đẩy giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ người học (30%) và hỗ trợ phát triển nông nghiệp (24%).
Có thể nói, mô hình doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp tạo tác động là mô hình lai ghép lấy phương thức kinh doanh để hỗ trợ Chính phủ giải quyết một phần các vấn đề xã hội và môi trường. Doanh nghiệp xã hội chính là con đường tạo ra những cơ hội tốt hơn cho tất cả mọi người. Để phát triển doanh nghiệp xã hội thì vai trò của nhà nước rất quan trọng trong việc xây dựng khung pháp lý vững chắc, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp xã hội tiếp cận các nguồn vốn, hỗ trợ truyền thông nhận thức về doanh nghiệp xã hội, làm cầu nối giữa các tổ chức và cộng đồng… cho mô hình này ngày càng được lan tỏa hướng đến một xã hội công bằng hơn và tốt đẹp hơn.
Ánh Nguyệt