Doanh nghiệp khoa học công nghệ: Góp sức xây dựng thành phố thông minh (23/04/2020)
Phát triển khoa học và công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp phát triển và nâng cao năng suất. Trong những năm vừa qua, Bình Dương cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp có hiệu lực tuy nhiên việc triển khai còn nhiều vướng mắc, doanh nghiệp khó tiếp cận với các nguồn hỗ trợ. Sở KH&CN cũng đã phối hợp với các ngành chức năng tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp để đưa ra biện pháp giải quyết hiệu quả, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp.
Theo đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 về doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN), trong đó có nhiều chính sách ưu đãi doanh nghiệp khoa học công nghệ như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; ưu đãi tín dụng… Theo đó, doanh nghiệp khoa học và công nghệ được ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hoạt động sản xuất và kinh doanh. Doanh nghiệp khoa học công nghệ còn được ưu tiên, không thu phí khi sử dụng máy móc, trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở nghiên cứu KH&CN của Nhà nước.
Ngoài ra, đối với những doanh nghiệp KH&CN có kết quả được chuyển giao, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn đã được cơ quan quản lý Nhà nước về KH&CN công nhận thì được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách. Trường hợp kết quả có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh thì Nhà nước sẽ xem xét mua kết quả đó.
Nghị định mới của Chính phủ cũng bổ sung về thẩm quyền công nhận doanh nghiệp KH&CN, để tạo điều kiện thuận lợi và rút ngắn thời gian chứng nhận doanh nghiệp KH&CN của doanh nghiệp. Điều kiện để trở thành một doanh nghiệp KH&CN, các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, có khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận, có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu.
Theo đó, Bình Dương đã ban hành nhiều kế hoạch nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế làm nền tảng phát triển xã hội văn minh, xanh, sạch hơn, như: Kế hoạch đổi mới thu hút đầu tư, kế hoạch phát triển dịch vụ chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị, kế hoạch đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trọng điểm. Bên cạnh đó là đề án xây dựng thành phố thông minh với các định hướng phát triển chủ yếu như thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường, tập trung thu hút vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quy hoạch.
Hiện nay, vấn đề chuyển giao công nghệ tại các doanh nghiệp tại Bình Dương nói riêng và trong nước nói chung đã và đang gặp nhiều trở ngại. Ngoài việc, các doanh nghiệp vẫn chưa có thói quen cũng như chưa đánh giá đầy đủ vai trò của đầu tư phát triển công nghệ trong chiến lược phát triển bền vững, lâu dài thì vấn đề thiếu vốn, thủ tục hành chính phức tạp cũng là trở ngại để doanh nghiệp thực hiện chuyển giao công nghệ.
Thanh Nhàn