Trung ương ban hành nhiều chủ trương, chính sách về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (19/05/2020)
Tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đòi hỏi ngành khoa học và công nghệ phải thể hiện là lực lượng sản xuất trực tiếp, tạo bức phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh để phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững, trong đó lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm. Chỉ trong 2 năm 2019 và 2020, có nhiều chủ trương, chính sách được ban hành tạo điều kiện cho cả nước tham gia vào công cuộc trở mình đưa đất nước ngang tầm với khu vực.
Ngày 30/5/2019, Ban Bí thư ký Kết luận số 50-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đưa ra một số kết luận quan trọng thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo: (i) Tiếp tục thúc đẩy phát triển mạnh thị trường khoa học và công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; hoàn thiện chính sách hỗ trợ để khuyến khích các tổ chức, cá nhân, nhất là doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Thúc đẩy sự liên thông của thị trường khoa học và công nghệ với thị trường hàng hóa, dịch vụ, thị trường lao động, thị trường vốn. Hỗ trợ phát triển các nhóm nghiên cứu trẻ tiềm năng, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; (ii) Tiếp tục thúc đẩy, khuyến khích khu vực tư nhân và doanh nghiệp đầu tư cho khoa học và công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo; tăng số lượng và quy mô các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; đẩy mạnh hợp tác công - tư, hình thành trung tâm mô phỏng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.
Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với mục tiêu Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Ngày 01/01/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 đề ra nhiệm vụ, giải pháp “Phát triển toàn diện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước”.
Cũng trong ngày 01/01/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 đề ra nhiệm vụ, giải pháp “Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo”. Nghị quyết giao Bộ KH&CN chủ trì: Hoàn thiện hành lang pháp lý phát triển toàn diện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, kết nối các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước. Thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp, thu hút đầu tư của doanh nghiệp cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát huy Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để hỗ trợ đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp.
Ngày 13/02/2020, Văn phòng Chính phủ ra Thông báo số 49/TB-VPCP về Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại buổi họp về Đề án phát triển mạng lưới, nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và kết nối nguồn lực cho khởi nghiệp sáng tạo đến năm 2030 yêu cầu Bộ KH&CN rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Đề án 844; làm rõ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, yêu cầu thực tế và chỉ đạo của Chính phủ để có thể thực hiện Đề án hiệu quả hơn, trong đó có tính đến giải pháp điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án.
Ngày 18/02/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo yêu cầu Bộ KH&CN triển khai có hiệu quả Đề án 844, hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước đối với hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Ngày 27/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2020 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đã đề ra một số giải pháp để hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư, trong đó giao việc cho Bộ KH&CN thực hiện một số nhiệm vụ: (i) Chính sách khuyến khích hợp tác, chuyển giao công nghệ và quản trị dựa trên cơ sở thỏa thuận, tự nguyện cho doanh nghiệp Việt Nam; (ii) Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, bảo vệ môi trường, tài nguyên và tiết kiệm năng lượng theo hướng ưu tiên hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực; (iii) Nâng cấp, hoàn thiện quy định của pháp luật về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; (iv) Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, dần tiến tới tự chủ công nghệ và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; (v) Hoàn thiện pháp luật, chính sách nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động của khu công nghệ cao.
Ngọc Trang