Bình Dương: Ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn (20/05/2020)
Trong những năm qua, việc đưa kết quả nghiên cứu khoa học và cuộc sống là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác triển khai nghiên cứu các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và nông nghiệp, các kết quả nghiên cứu được được đưa vào ứng dụng thực tế và đem lại nhiều lợi ích kinh tế cũng như lợi ích xã hội cho tỉnh nhà.
Lĩnh vực bảo vệ môi trường
Với đề tài “Điều tra đánh giá khả năng chịu tải và đề xuất các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm trên kênh, rạch cho vùng đô thị phía Nam tỉnh Bình Dương” do Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường triển khai năm 2016, được nghiệm thu vào năm 2018. Kết quả, Đơn vị chủ trì đã tham mưu Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiều đề án và đề tài cấp tỉnh, đem lại nhiều hiệu quả kinh tế cho tỉnh nhà, như:
- Triển khai thực hiện đề án cấp tỉnh “Xây dựng quy định phân vùng xả thải các kênh rạch, sông suối trên địa bàn tỉnh Bình Dương”, đề tài hoàn thành trong năm 2018 với kết quả đạt. sản phẩm của đề án cung cấp tiêu chuẩn xả thải nước thải vào các lưu vực kênh rạch, sông, suối cho toàn tỉnh Bình Dương. Kết quả đề án là cơ sở khoa học để Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân tỉnh quy định phân vùng xả thải các kênh rạch, sông suối trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
- Tham mưu Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt 2 đề án:
+ Đề án “ Điều tra, khảo sát xây dựng cơ sở dữ liệu để đánh giá sức chịu tải và dự báo chất lượng nước các kênh, sông, suối trên địa bàn tỉnh Bình Dương”, đề án “ Điều tra, đánh giá, phân loại và hoàn thiện cơ sở dữ liệu các nguồn thải trên địa bàn tỉnh Bình Dương”. Đến nay 2 đề án đã được Ủy ban nhan dân tỉnh phê duyệt đề cương, dự toán kinh phí.
Trong đó, đề án “Điều tra, khảo sát xây dựng cơ sở dữ liệu để đánh giá sức chịu tải và dự báo chất lượng nước kênh, rạch, sông, suối trên địa bàn tỉnh Bình Dương” là mở rộng phát triển của đề tài “Điều tra đánh giá khả năng chịu tải và đề xuất các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm trên kênh, rạch cho vùng đô thị phía Nam tỉnh Bình Dương” từ 9 suối, kênh, rạch chính vùng đô thị phía Nam tỉnh Bình Dương lên 27 suối, kênh, rạch cho toàn tỉnh.
Đề án “Điều tra, đánh giá, phân loại và hoàn thiện cơ sở dữ liệu các nguồn thải trên địa bàn tỉnh Bình Dương”, bổ sung dữ liệu nguồn thải để kết quả đánh giá, dự báo chất lượng nước mặt ngày càng chính xác. Hiện nay 2 đề án đang thực hiện các thủ tục để đấu thầu để lựa chọn đơn vị thực hiện. Thời gian thực hiện dự kiến là năm 2020, năm 2021.
- Tham mưu Sở Tài nguyên và Môi trường đặt hàng Sở Khoa học và Công nghệ đề tài “Nghiên cứu đề xuất hệ thống thông tin xử lí số liệu trực tuyến phục vụ công tác quan trắc môi trường nước tại Bình Dương”. Ngày 3/10/2019, đề tài đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đưa vào nhiệm vụ vào năm 2020. Đề tài “Điều tra đánh giá khả năng chịu tải và đề xuất các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm trên kênh rạch cho vùng đô thị phía Nam tỉnh Bình Dương” hướng đến ứng dụng công nghệ thông tin để xử lí số liệu nguồn thải, chất lượng nước trực tuyến trên địa bàn tỉnh từ đó đưa ra dự báo chất lượng nước mặt của sông, suối chính trên địa bàn tỉnh, xác định nguyên nhân gây ô nhiễm giúp cho cơ quan quản lí nhà nước đưa ra các quyết định trong công tác điều hành, quản lí tài nguyên, môi trường của tỉnh.
Lĩnh vực nông nghiệp
Trong lĩnh vực này, có 02 nhiệm vụ được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai ứng dụng mang liệu hiệu quả thiết thực cho tỉnh nhà:
- Nhiệm vụ “Chuyển giao và thực nghiệm xử lý bào lục bình (Eichornia Crassipes) làm mùn hữu cơ, biogas và trồng nấm trên địa bàn tỉnh Bình Dương”, với nhiệm vụ này, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ban hành Công văn số 123/SNN-NN ngày 17/01/2019 triển khai ứng dụng và nhân rộng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ của đề tài vào thực tế quản lý và đánh giá hiệu quả ứng dụng kết quả thực hiện đề tài. Kết quả, Chi cục Trồng trọt Bảo bệ thực vật đã tuyên truyền, lồng ghép triển khai kết quả của đề tài trong các buổi tập huấn thường xuyên tại các địa bàn trên tỉnh về việc xử lý bèo lục bình vừa tạo sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế vừa tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu bèo lục bình, tiết kiệm chi phí sản xuất phân bón hữa cơ. Bên cạnh đó, việc xử lý bèo lục bình làm giá thể trồng nấm rơm để cải thiện thu nhập của nông hộ và tận dụng phụ phẩm giá thể sau trồng nấm làm phân hữu cơ cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng và cải tạo đất để bà con áp dụng vào sản xuất thực tế.
- Đối với nhiệm vụ: Nghiên cứu đánh giá hiện trạng sạt lở đất ở cù lao Rùa (Thạnh Hội) trong thời gian qua, nguyên nhân, dự báo và đề xuất giải pháp khắc phục, sau khi nghiệm thu, trên cơ sở kết quả đề tài nghiên cứu khoa học đạt được, Ủy ban nhân dân thị xã Tân Uyên đã lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng công trình Xây dựng kè chống sạt lở ở cù lao Rùa (giai đoạn 1 - Vị trí cổ rùa) với tổng mức đầu tư gần 80 tỷ đồng, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tự tại Quyết định số 702/QĐ-UBND vào ngày 28/3/2019 và đang thực hiện lựa chọn nhà thầu bước lập thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, sau khi hoàn thành các thủ tục theo quy định, chủ đầu tư sẽ khởi công xây dựng công trình trong quý II/2020.
Trần Phước