Chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp: trở mình nhờ chính sách (21/06/2020)
Hệ thống các chính sách về nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam đã sớm được Đảng và Nhà nước quan tâm ngay trong giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới đất nước. Hệ thống chính sách đến nay đã đề cập và xử lý các vấn đề nảy sinh trong phát triển nông nghiệp và xã hội nông thôn. Nhờ có hệ thống chính sách ưu đãi và nhiều cơ chế phù hợp, diện mạo nông thôn được thay đổi. Đời sống người dân nâng cao cả về vật chất và tinh thần.
Có thể nói nông nghiệp là một trong những lĩnh vực đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư nhất hiện nay, trong đó có Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08/01/2010 của Chính phủ về Khuyến nông, nhằm hỗ trợ chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần đổi mới mạnh mẽ theo hướng xã hội hóa, đa đạng hóa nông nghiệp nông thôn và thu hút nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia. Tại Bình Dương, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cụ thể hóa bằng Quyết định số 48/2012/QĐ-UBND ngày 31/10/2012 quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hoạt động khuyến nông sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cấp trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Qua 10 năm thực hiện Nghị định 02/2010/NĐ-CP, hệ thống tổ chức khuyến nông nhà nước tiếp tục được xây dựng, phát triển lớn mạnh và đồng bộ từ trung ương đến tỉnh, huyện, một số địa phương hình thành cả hệ thống khuyến nông viên cấp xã và thôn bản. Hoạt động khuyến nông đã đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, đem lại giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp và thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Đối với quá trình áp dụng Quyết định số 48/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Dương, từ năm 2012 đến nay, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng đều qua các năm từ 3,6-4%/năm, ngành đã tổ chức thực hiện trên 1.800 lớp tập huấn cho trên 79.000 lượt nông dân tham dự và triển khai thực hiện trên 1.300 điểm mô hình. Nhiều mô hình, dự án áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất được chuyển giao đến người sản xuất như sản xuất rau, quả an toàn, theo hướng VietGAP, mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, mô hình sản xuất hoa, cá cảnh,…
Kết quả chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình kỹ thuật, đến nay trên địa bàn tỉnh tỷ lệ sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao đạt trên 90%, trong đó giống cao su cao sản 100%, rau màu hạt lai F1 đạt > 90%. Về chăn nuôi như: bò lai sind đạt >80%, heo ngoại và lai từ 2 – 4 máu ngoại đạt 100%, gia cầm đạt >90%, bò sữa lai HF với tỷ lệ F1 chiếm 16,38%, F2 chiếm 69,33%, F3 chiếm 12,74%; 100% diện tích canh tác cây lâu năm được cơ giới hóa trong khâu làm đất, chăm sóc; gần 88% đàn gia cầm và trên 93% đàn heo được nuôi tập trung (hầu hết các trại sản xuất tập trung đều ứng dụng công nghệ cao quy trình kỹ thuật hiện đại). Nhìn chung những tiến bộ kỹ thuật đã áp dụng góp phần xây dựng nền nông nghiệp của tỉnh tiên tiến và đảm bảo bền vững.
Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội theo thời gian, Nghị định 02/2010/NĐ-CP của Chính phủ nói chung và Quyết định số 48/2012/QĐ-UBND của tỉnh nói riêng đã dần bộc lộ những hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng hỗ trợ cho người sản xuất như đối tượng áp dụng phân biệt theo trình độ và quy mô; phương thức tiếp cận chưa phân biệt điều kiện sản xuất của từng địa phương, vùng, miền; việc phân cấp hoạt động khuyến nông trung ương và địa phương chưa đúng với mục đích và bản chất của khuyến nông; các chính sách hỗ trợ khuyến nông được xây dựng theo nhóm nội dung hỗ trợ mà chưa phân biệt rõ đối tượng hỗ trợ; một số nội dung hỗ trợ không còn phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay,…
Đến tháng 5/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2018/NĐ-CP về Khuyến nông nhằm và đến cuối năm 2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 75/2019/TT-BTC quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện khuyến nông (Thông tư số 75) nhằm cụ thể hóa Nghị định trên.
So với Thông tư liên tịch số 183/2010/TTLT-BTC-BNN của Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước đây, thì Thông tư số 75 đã quy định cụ thể việc hỗ trợ cho đối tượng chuyển giao công nghệ và đối tượng nhận chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, định mức hỗ trợ của Thông tư số 75 cao hơn nhiều so mới hỗ trợ khuyến nông trước đây, điều này tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực khuyến nông của nước ta trong thời thời kỳ mới.
Để cụ thể hóa chính sách khuyến nông trên địa bàn, tỉnh Bình Dương đã xây dựng Dự thảo Nghị quyết về nội dung và mức chi hỗ trợ hoạt động khuyến nông sử dụng nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Dự thảo Nghị quyết này quy định nội dung và mức chi hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông thuộc các lĩnh vực sản xuất chế biến, bảo quản, tiêu thụ, dịch vụ trong nông, lâm, ngư nghiệp và cơ điện nông nghiệp, ngành nghề nông thôn sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Sau khi Dự thảo Nghị quyết này được thông qua, hoạt động khuyến nông, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ có được định mức hỗ trợ phù hợp với tình hình phát triển nông nghiệp hiện nay, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp ngày một phát triển hơn, đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương.
Thu Trang