Quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn (30/06/2020)
Quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho các bên liên quan; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc (TXNG) để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa; nhận diện và truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm, trong đó chú trọng sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của địa phương, qua đó kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu: sản xuất, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ; bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng. Đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin TXNG của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc tại Quyết định số 100/QĐ-TTg. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp hoạt động quản lý TXNG sản phẩm, hàng hóa đi vào nền nếp theo một chuẩn mực chung.
Trước những vấn nạn về hàng giả, hàng nhái hàng lưu thông không rõ nguồn gốc, xuất xứ, sản phẩm chứa chất cấm, độc hại ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng, TXNG trở thành vấn đề quan tâm chung của toàn xã hội. Các cấp, các ngành, các tổ chức quốc tế, các quốc gia đã xác định vai trò, vị trí quan trọng của TXNG đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, hiện nay TXNG sản phẩm, hàng hóa là nhu cầu tất yếu của thị trường, là cánh cửa cho hàng hóa của Việt Nam xâm nhập vào các thị trường khó tính. TXNG được các cơ quan, tổ chức, đặc biệt các doanh nghiệp rất quan tâm và mong muốn thực hiện.
Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống TXNG tại địa phương tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kết nối Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia, giúp nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về TXNG nêu cao được tinh thần ý thức trong việc chấp hành pháp luật xây dựng văn hóa doanh nghiệp đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc triển khai thực hiện Quyết định 100/QĐ-TTg góp phần đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động TXNG để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa công khai minh bạch các thông tin TXNG của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về TXNG…
Bên cạnh những thuận lợi có được thì việc Quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn do hệ thống văn bản, quy định về quản lý, xử lý vi phạm; văn bản hướng dẫn áp dụng, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về TXNG sản phẩm, hàng hóa chưa được ban hành đầy đủ. Vì vậy việc triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống TXNG chưa triển khai thực hiện thống nhất và đồng bộ.
Đây là nhiệm vụ quản lý hoàn toàn mới nên địa phương gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong quá trình xây dựng kế hoạch thực hiện cũng như tổ chức triển khai các nhiệm vụ của đề án vào tình hình thực tế tại địa phương.
Kinh phí phục vụ cho công tác triển khai áp dụng và quản lý hệ thống TXNG, công tác đào tạo, hội nghị, hội thảo, phục vụ cho công tác chuyên môn còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu…
Cổng thông tin TXNG quốc gia đang trong giai đoạn xây dựng. Các doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của TXNG và chưa hiểu đúng bản chất của TXNG, thói quen và ý thức làm việc chưa tuân thủ quy trình, ngại ghi chép cũng là yếu tố khó khăn cho quá trình thực hiện. Bên cạnh đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu, xây dựng, triển khai hệ thống TXNG cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm cụ thể.
Việc triển khai, áp dụng cấp mã QR Code (thông qua hệ thống tem điện tử) cho các sản phẩm phải đảm bảo thông qua tem gắn trên sản phẩm sau khi đã được kích hoạt thông tin và đưa ra phân phối trên thị trường còn phụ thuộc vào đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ, chưa chuẩn hóa việc triển khai áp dụng hệ thống TXNG theo chuẩn mực nhất định.
Mã QR Code mới chỉ tập trung áp dụng ở một số sản phẩm chủ yếu là nông sản. Tem TXNG áp dụng trên các sản phẩm hiện nay chưa được chuẩn hóa về nội dung và hình thức. TXNG mang tính khép kín không có khả năng mở để các bên tham gia hệ thống TXNG này có thể tham gia với các hệ thống TXNG khác.
Hiện nay có nhiều đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ thực hiện ứng dụng quản lý TXNG. Tuy nhiên, chưa có cơ sở để đánh giá chất lượng các giải pháp, để lựa chọn các đơn vị cung cấp giải pháp để triển khai thực hiện…
Để khắc phục những khó khăn trên, cơ quan quản lý ở địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan vận động các cơ sở, doanh nghiệp tham gia đề án. Đối với các cơ sở, hợp tác xã tham gia dán tem truy xuất nguồn gốc cần đảm bảo chất lượng đúng theo thông tin đã đăng ký để tạo niềm tin cho khách hàng, qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ và giữ vững thương hiệu sản phẩm của địa phương.
Minh Thanh