Đưa Nghị quyết vào cuộc sống: Phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Bình Dương (27/07/2020)
Năng lượng là ngành kinh tế - kỹ thuật giữ vai trò trọng yếu và có tính tiên phong, làm nền tảng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Phát triển năng lượng là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, phát triển năng lượng còn gắn chặt chẽ với những hoạt động về chính trị - ngoại giao, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị thì ngành năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi. Công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng còn một số hạn chế. Hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp. Cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ. Trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao, việc nội địa hoá và hỗ trợ thị trường từ các dự án trong ngành năng lượng cho hàng hoá cơ khí chế tạo sản xuất trong nước còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động trong một số lĩnh vực còn thấp. Thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội. Một số dự án năng lượng do doanh nghiệp nhà nước đầu tư còn thua lỗ; một số dự án năng lượng đầu tư ra nước ngoài tiềm ẩn nhiều khả năng mất vốn. Công tác bảo vệ môi trường trong ngành năng lượng có nơi, có lúc chưa được quan tâm đúng mức, gây bức xúc xã hội.
Do đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW nhằm mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Ngành năng lượng phát triển hài hoà giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại.
Tại Diễn đàn cấp cao về Năng lượng 2020 do Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ tổ chức ngày 22/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, Nghị quyết số 55 có nhiều quan điểm mới, mạnh mẽ và đột phá về phát triển năng lượng quốc gia, giành ưu tiên cao hơn cho việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới và năng lượng sạch. Nghị quyết đã được cụ thể hóa bằng các chính sách đầy tham vọng nhằm thực hiện các mục tiêu trên, đồng thời bằng các biện pháp ngắn chặn các nhà đầu tư đi ngược lại mục tiêu này.
Để đưa Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị vào cuộc sống, Tỉnh uỷ Bình Dương đã ban hành Chương trình số 136-CTr/TU nhằm thực hiện đầy đủ, có hiệu quả Nghị quyết số 55-NQ/TW và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Chương trình này phấn đấu cung cấp đủ năng lượng của tỉnh, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030; tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 5% vào năm 2020 và 10% vào năm 2045; tỉ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt trung bình khoảng 2%/năm, đến năm 2030 đạt khoảng 10% và năm 2045 đạt khoảng 15%; giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% và năm 2030 và ở mức 20% vào năm 2045…
Để cụ thể hoá hơn nữa, Chương trình đã đưa ra 9 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: (1) Phát triển các nguồn cung năng lượng sơ cấp theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hoá, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững cho nguồn than, nguồn năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng khác.
(2) phát triển nhanh và bền vững ngành điện đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, rà soát các dự án về thuỷ điện, điện mặt trời, nhiệt điện, điện sinh khối, rác thải và chất thải rắn đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái.
(3) Cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả; ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2020-2030. Xây dựng cơ chế khuyến khích các hộ tiêu thụ sử dụng năng lượng sạch, tái tạo, nhất là công nghiệp và giao thông.
(4) phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực; nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ phục vụ ngành năng lượng. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng năng lượng bền vững. (5) Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng; khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hoá phát triển năng lượng.
(6) Đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa. (7) phát triển khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng, từng bước áp dụng các biện pháp khuyến khích và bắt buộc đổi mới công nghệ, thiết bị trong ngành năng lượng cũng như những ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng.
(8) Thực thi chính sách bảo vệ môi trường ngành năng lượng gắn với giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Triển khai đề án tích hợp mô hình kinh tế tuần hoàn vào Chiến lược phát triển các doanh nghiệp năng lượng.
(9) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân và vai trò của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển ngành năng lượng.
Ngọc Trang