Triển khai đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bình Dương năm 2020 (04/08/2020)
Sáng 30/7/2020, tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương đã diễn ra Hội nghị Triển khai thực hiện đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm – OCOP tỉnh Bình Dương năm 2020.
Tham dự tại Hội nghị có các đại biểu là đại diện của các sở, ngành của các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Ông Lê Cảnh Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương phát biểu khai mạc
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Chủ thể của Chương trình là do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện trong định hướng phát triển các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ.
Chỉ tiêu Chương trình từ đây đến cuối năm 2020 có khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia Chương trình và có ít nhất 05 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng 3 sao trở lên được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh và tổ chức được ít nhất 01 Hội chợ OCOP Bình Dương, hoàn thành đăng ký bảo hộ nhận diện nhãn hiệu sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu OCOP Bình Dương.
Toản cảnh Hội nghị
Theo Đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018 – 2020 đưa ra những nội dung và phân công thực hiện cụ thể cho từng đơn vị trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương hỗ trợ các tổ chức kinh tế, cộng đồng đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong phát triển sản xuất sản phẩm thuộc Chương trình OCOP; tiêu chuẩn hóa, đăng ký công bố chất lượng sản phẩm; tổng hợp đề xuất nhiệm vụ khoa học, công nghệ hàng năm liên quan đến phát triển sản phẩm OCOP sử dụng nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ cấp tỉnh, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định; hỗ trợ các địa phương đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP, tư vấn định hướng phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP, hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa, đăng ký mã số mã vạch; chủ trì thực hiện các chính sách hỗ trợ liên quan đến lĩnh vực phụ trách; tham gia Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo Quyết định thành lập hàng năm của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Chí Hải