Chuyển đổi số ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức (25/08/2020)
Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời.
Cơ hội
Ngày 3/6/2020, Thủ Tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng 2030, với mục tiêu chính: Hướng tới Chính phủ số, đến năm 2025, nước ta có 100% cơ sở dữ liệu quốc gia được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc, Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI); về kinh tế số, Việt Nam hướng tới nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI), kinh tế số chiếm 20% GDP và Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; về xã hội số, Việt Nam hướng đến mục tiêu trên 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh và nước ta thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).
Đến năm 2030, hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước, giảm 30% thủ tục hành chính; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp; Kinh tế số chiếm 30% GDP; Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).
Đầu năm 2019, trong thời điểm dịch COVID-19 diễn ra, chuyển đổi số đã áp dụng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực: mua sắm trực tuyến, học tập trực tuyến, y tế trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến..., hàng chục ứng dụng ra đời giúp người dân truy vết, giám sát, cách ly bệnh nhân COVID-19 hiệu quả. Nhiều trường học đã đưa vào sử dụng những phần mềm học trực tuyến giúp trẻ em vẫn có thể học tập mà không phải đến trường. Dịch bệnh thực sự đã đem tới một cú hích về chuyển đổi số, không chỉ tại Việt Nam, mà còn trên thế giới.
Chuyển đổi số mở ra những mô hình kinh doanh mới, tạo ra giá trị mới, giúp GDP Việt Nam tăng tới 1,1%/năm. Mỗi quốc gia, tổ chức hay cá nhân đều phải nỗ lực chuyển đổi, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
Trong lĩnh vực ngân hàng, Chính phủ, ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin - Truyền thông đang tích cực thúc đẩy và hỗ trợ các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tài chính để hướng tới mục tiêu một xã hội không dùng tiền mặt vào năm 2023. Theo thống kê, có 42% các ngân hàng ở Việt Nam coi ngân hàng số là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược kinh doanh của họ, 94% các ngân hàng ở Việt Nam đã đầu tư vào lĩnh vực này ở các mức độ khác nhau.
Trong lĩnh vực logistics, nền tảng điện toán đám mây giúp kết nối doanh nghiệp với đối tác vận tải bên ngoài, khả năng định vị của các loại cảm biến được sử dụng trong hoạt động logictics giúp doanh nghiệp dễ dàng phát hiện những luồng hoạt động không hiệu quả để thay đổi, cải thiện tránh lãng phí, nhờ phân tích được các dữ liệu mà doanh nghiệp có thể dự báo được nguồn cầu hay tỷ giá hối đoái dựa trên những dữ liệu được ghi lại trong quá khứ để điều chỉnh giá dịch vụ nhằm đảm bảo lợi nhuận và tính cạnh tranh trên thị trường; trí tuệ nhân tạo và học máy sẽ giúp giảm thiểu mức tối đa các sai sót của con người…
Trong lĩnh vực y tế, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ có khả năng định hình nên một trạng thái bình thường mới trong ngành y tế; những ứng dụng công nghệ số trên phạm vi toàn bộ ngành y tế, từ chăm sóc sức khỏe khâu phòng bệnh, phát hiện bệnh, chữa bệnh cho tới chăm sóc sức khỏe đặc biệt ở tuyến trên… hiện nay, quá trình số hóa có tiềm năng tác động đến mọi khía cạnh của việc cung cấp và vận hành y tế, cho phép có được những lựa chọn thông minh hơn và hiệu quả sử dụng thời gian, nguồn lực cao hơn, đồng thời cho phép mọi người dành nhiều thời gian hơn cho tương tác với bệnh nhân tại cơ sở chăm sóc sức khỏe…
Chuyển đổi số còn đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực khác của xã hội như chính phủ, truyền thông đại chúng, y học, khoa học... Với dân số 96 triệu người và là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất nhì khu vực, dân số trẻ năng động và có khả năng tiếp cận công nghệ cao nhanh chóng, các chuyên gia đánh giá Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc chuyển đổi số. Đây là những cơ hội mạnh mẽ để các doanh nghiệp Việt Nam tạo ra sự đột phá trên thị trường nhờ vào chuyển đổi số.
Thách thức
Khoảng cách số đang được rút ngắn lại nhờ sự phát triển của công nghệ số trong quá trình chuyển đổi số đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Chuyển đổi số là một vấn đề sống còn trong quá trình phát triển kinh doanh. Mục tiêu cuối cùng chính là sử dụng công nghệ số để thúc đẩy nâng cao hiệu quả và phát triển tạo ra giá trị mới nhằm tăng sự hài lòng của khách hàng cũng như tìm kiếm thị trường mới.
Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi số vẫn còn gặp phải một số thách thức như: bất bình đẳng về cơ hội giáo dục cũng như tiếp cận các dịch vụ; các ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành, lĩnh vực chưa có sự kết nối, thiếu liên thông, chưa phát triển đồng bộ; việc tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân còn gặp nhiều khó khăn; việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan, doanh nghiệp (khu vực công và tư) còn nhiều hạn chế; chưa có một hạ tầng định danh, xác thực điện tử, kết nối liên thông; chưa có sự chuyển đổi công nghệ đồng bộ, công nghệ cu phải kết hợp với công nghệ mới; văn hóa mới, niềm tin của nhân viên và tiềm năng chuyển đổi số…Đặc biệt, vấn đề bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng vẫn là một thách thức lớn mà nước ta phải đối mặt.
Để chuyển đổi số thành công, mỗi chúng ta phải tìm ra những thách thức cho quy trình số hóa của chính mô hình của mình đưa ra từ đó có hướng khắc phục và phát triển. Thế giới đang trong giai đoạn bắt đầu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một cuộc Cách mạng công nghệ mới, đặc biệt khác với các cuộc cách mạng trước đây. Trong cuộc cách mạng này, chuyển đổi số là xu thế, là tất yếu trong thời đại ngày nay, đó là cơ hội cho các nước, các doanh nghiệp vượt lên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng cũng là nguy cơ tụt hậu, bị bỏ lại ngày càng xa đối với ai không quan tâm đến nó.
Ánh Nguyệt