Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (29/08/2020)
Ngày 26/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nghị định quy định xử phạt các hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh; hành vi kinh doanh dịch vụ cấm, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm; hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; hàng hóa lưu thông trong nước bị áp dụng biện pháp khẩn cấp; hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hành vi vi phạm về nhập khẩu thuốc lá, giấy cuốn điếu thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá; hành vi vi phạm về kinh doanh rượu, bia; hành vi đầu cơ hàng hóa và găm hàng; hành vi vi phạm về hoạt động xúc tiến thương mại…
Trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có thể bị phạt tiền đến 40 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm quy định về thông tin có liên quan là thông tin thuộc về bí mật cá nhân của người tiêu dùng. Có thể bị phạt tiền lên đến 50 triệu đồng đối với chủ phương tiện truyền thông, người cung cấp dịch vụ truyền thông là bên thứ ba có một trong các hành vi vi phạm sau đây về cung cấp thông tin của hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng: không có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn việc phương tiện, dịch vụ do mình quản lý bị sử dụng vào mục đích quấy rối người tiêu dùng; cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sử dụng phương tiện, dịch vụ do mình quản lý để quấy rối người tiêu dùng. Có thể phạt tiền đến 10 triệu đồng đối với hành vi Ký kết hợp đồng với người tiêu dùng với hình thức, ngôn ngữ hợp đồng không đúng quy định; không cho người tiêu dùng xem xét toàn bộ hợp đồng trước khi giao kết trong trường hợp giao kết hợp đồng bằng phương tiện điện tử theo quy định…
Đối với hành vi không cung cấp cho người tiêu dùng Giấy tiếp nhận bảo hành trong đó ghi rõ thời gian thực hiện bảo hành; không cung cấp cho người tiêu dùng hàng hóa, linh kiện, phụ kiện tương tự để sử dụng tạm thời hoặc không có hình thức giải quyết khác được người tiêu dùng chấp nhận trong thời gian thực hiện bảo hành; không đổi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện mới tương tự hoặc thu hồi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện và trả lại tiền cho người tiêu dùng trong trường hợp hết thời gian thực hiện bảo hành mà không sửa chữa được hoặc không khắc phục được lỗi… mà hàng hóa, linh kiện, phụ kiện đó có giá trị trên 2 triệu đồng thì có thể bị phạt tiền lên đến triệu đồng.
Trần Phước