HỘI NGHỊ PHẢN BIỆN XÃ HỘI ĐỐI VỚI 02 DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG (10/09/2020)
Sáng ngày 25/9/2020, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương chủ trì tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với 02 dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh bằng hình thức trực tuyến. Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có ông Nguyễn Văn Lộc - UVTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các Phó Chủ tịch. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh; thành viên các Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp Luật, Hội đồng tư vấn về kinh tế - văn hóa - xã hội của MTTQ tỉnh và 493 đại biểu tại điểm cầu các huyện, thị, thành phố là đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam, thành viên các Ban Tư vấn của MTTQ cấp huyện, các đoàn thể chính trị xã hội huyện, các hộ chăn nuôi chim yến trên địa bàn các huyện, thị, thành phố.
Hội nghị đã phản biện về 02 dự thảo Nghị quyết dự kiến trình HĐND vào kỳ họp cuối năm 2020 gồm: Nghị quyết “Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Dương” và Nghị quyết “Quy định chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025”.
Đại biểu phát biểu phản biện tại hội nghị
Tại hội nghị, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình bày sự cần thiết ban hành 02 nghị quyết trên và đề nghị các đại biểu trong hội đồng phản biện cấp tỉnh, cấp huyện cho ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo trước khi trình Hội đồng nhân dân biểu quyết thông qua. Nội dung dự thảo 02 nghị quyết đã thu hút sự quan tâm của hội đồng phản biện, với 16 ý kiến phát biểu xoay quanh 47 nhóm vấn đề góp ý xây dựng dự thảo, đề xuất, kiến nghị điều chỉnh những điểm còn thiếu hoặc chưa hợp lý trong dự thảo.
Đối với dự thảo Nghị quyết “Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Dương” , các đại biểu nhấn mạnh, việc nuôi chim yến tại tỉnh trong những năm gần đây phát triển mạnh mẽ bởi giá trị kinh tế cao, tuy nhiên việc phát triển nuôi chim yến ồ ạt cũng phát sinh nhiều vấn đề cần phải xem xét, nghiên cứu như: quy định quản lý, quy hoạch vùng nuôi chim yến, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường, quản lý dịch bệnh, cảnh quan đô thị… Do đó, các ý kiến phản biện tập trung vào quy định các khu vực không được phép chăn nuôi; vùng chăn nuôi yến; chính sách hỗ trợ di dời và phương án di dời các trang trại chăn nuôi…Một số ý kiến cho rằng cần phải quy hoạch phân vùng chăn nuôi yến theo hướng khu vực có tiềm năng, mang tính lâu dài và phải có lộ trình; tuyên truyền đến người dân nâng cao nhận thức, ý thức trong chăn nuôi để không gây ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh; có biện pháp ngăn chặn việc chăn nuôi tự phát, săn bắt chim yến trong tự nhiên…
Về chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, dự thảo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ cụ thể để xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới, phấn đấu đến năm 2025 tỉnh Bình Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, có 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Các đại biểu cũng cho rằng, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu cần cao hơn mức hiện hành cho phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh; việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu cần thể hiện được bộ mặt cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, đem lại hiệu quả, không xây dựng kiểu phong trào.
Phát biểu tại Hội nghị, Ông Nguyễn Văn Lộc Việc nhấn mạnh việc ban hành 02 nghị quyết là rất cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý cho người dân yên tâm chăn nuôi và có chính sách định hướng xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2020 - 2025. Đồng thời, đồng chí đánh giá cao những ý kiến góp ý của các đại biểu và đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu các ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo các Nghị quyết, đồng thời cần nghiên cứu thêm và khảo sát thực tế nhằm có thêm căn cứ khoa học để nâng cao tính thuyết phục, giúp Nghị quyết khi được ban hành nhận được sự đồng thuận của người dân.
Hải Yến