“Vệ sinh an toàn thực phẩm” - Nguyên nhân và một số vấn đề cần giải quyết (03/11/2016)
Tình hình ngộ độc thực phẩm hiện nay
Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 150 - 200 vụ ngộ độc thực phẩm với 5.000 - 7.000 người, trong đó có từ 40 - 60 người tử vong. Đặc biệt trong năm 2015 (tính đến ngày 31/12/2015), cả nước đã có 179 vụ ngộ độc thực phẩm với 5.552 người mắc bệnh; 5.147 người đi viện và 23 trường hợp tử vong. Đồng thời, trong 06 tháng đầu năm 2016 (từ ngày 01/01/2016 đến hết ngày 30/6/2016), cả nước có 68 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.080 người mắc bệnh; 1.673 người đi viện và 04 trường hợp tử vong. (vusta.vn)
Công nhân bị ngộ độc thực phẩm (Nguồn: Internet)
Bên cạnh đó, đất nước ta lại đang trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, chính điều này đã và đang đặt nước ta trong bối cảnh phải chịu những thách thức lớn về rào cảm kỹ thuật và các biện pháp vệ sinh dịch tễ trong ATTP.
Vấn đề ATTP mặc dù đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm từ việc ban hành các Nghị quyết, Nghị định, Chỉ thị… và có nhiều quy định, quy chế về điều kiện sản xuất và kinh doanh đảm bảo ATTP nhưng việc tuân thủ theo quy định cho kết quả không như mong muốn. Mặc khác, do ý thức trách nhiệm tuân thủ theo quy định của người sản xuất kinh doanh chưa cao; những quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc khắc phục xử lý hậu quả ngộ độc thực phẩm tập thể đối với các chủ thể gây ra ngộ độc thực phẩm vẫn chưa được đề cao.
Vậy nguyên nhân gây ra mất vệ sinh ATTP do đâu?
Việc đảm bảo ATTP ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập và do một số nguyên nhân sau: Hầu hết các cơ sở sản xuất kinh doanh ở nước ta chủ yếu là nhỏ lẻ; các cán bộ làm công tác ATTP tại các tuyến xã, phường chủ yếu là kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn hạn chế; nguồn kinh phí dành cho công tác ATTP rất hạn chế và các phòng kiểm nghiệm tại địa phương chưa được đầu tư nhiều…
Bên cạnh đó, các hóa chất không được phép sử dụng nhưng vẫn được người sản xuất, kinh doanh sử dụng cho chăn nuôi, bảo quản thực phẩm như: hàn the; formon… đặc biệt, với các hóa chất được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm thì lại được dùng quá hàm lượng cho phép gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Đời sống người dân lại khó khăn, nên việc tiếp xúc với thực phẩm đảm bảo ATTP là rất khó khăn. Đồng thời, công tác tuyên truyền hiện nay một phần chỉ tập trung vào những tồn tại, yếu kém mà ít tuyên truyền các mô hình sản xuất, quản lý ATTP tốt, tiên tiến để người tiêu dùng tìm đến các cơ sở đó.
Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về bảo đảm ATTP của một số cơ sở còn hạn chế. Nhất là việc sử dụng phân bón hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật không đúng quy định trong trồng rau quả, dùng chất cấm trong chăn nuôi gia súc gia cầm và thủy sản, sử dụng hóa chất phụ gia ngoài danh mục hay kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ…
Giải pháp thực hiện ATTP
Vậy để đảm bảo ATTP, mục tiêu chất lượng một số thực phẩm chế biến và nông sản cần đánh giá nghiêm túc và giảm thiểu những mặt yếu kém còn tồn tại.
Đối với người tiêu dùng: khi lựa chọn thực phẩm tại các chợ, siêu thị,… cần quan tâm đến các yếu tố như thương hiệu; thời hạn sử dụng; ngày sản xuất; các chỉ tiêu dinh dưỡng và chỉ tiêu liên quan đến ATTP ghi trên nhãn hàng hóa.
Đối với nhà sản xuất, kinh doanh cần tuân thủ những quy định về vệ sinh ATTP trong sản xuất và lưu hành sản phẩm đúng theo tiêu chuẩn chất lượng đã công bố hoặc đã chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy; không sử dụng các hóa chất phụ gia ngoài danh sách cho phép, nguyên liệu, hóa chất phụ gia không có nguồn gốc rõ ràng; tuân thủ hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất để tạo ra sản phẩm đảm bảo vệ sinh ATTP có sức cạnh tranh mạnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Đặc biệt, các cơ quan quản lý nhà nước: Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng hàng hóa; quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm những cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm;… đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức và ý thức cho người dân về đảm bảo ATTP.
Kim Loan (tổng hợp internet)