Bùn thải hầm cầu và môi trường (08/12/2016)
Tại Việt Nam, phân bùn sau khi hút thường được đổ thẳng ra bãi chôn lấp cùng với các loại rác thải đô thị và các loại bùn cặn cống khác hoặc xả trực tiếp vào các hộ nuôi cá, sử dụng trực tiếp để bón cho các loại rau quả, trong đó chỉ có một phần được đưa đi xử lý và chế biến thành phân compost. Điều này không những gây ô nhiễm môi trường mà còn là nguy cơ tác động trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt sự tích tụ hợp chất hữu cơ gây mất vệ sinh, mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường đất, nước ngầm, vi sinh vật gây bệnh phát triển…
Hiện nay, vấn đề quản lý phân bùn hầm cầu từ các công trình vệ sinh công cộng, các hầm tự hoại, đặc biệt là từ quá trình thu gom vận chuyển đến nơi xử lý trước khi thải bỏ vào môi trường chưa được chặt chẽ. Hệ thống thoát nước chung của tỉnh cũng bị quá tải các chất ô nhiễm trong nước thải sinh hoạt lắng thành cặn bùn, nước mưa chảy tràn kèm theo nước thải chưa được xử lý thải vào hệ thống trở thành gánh nặng của các nhà quản lý.
Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Bình Dương đầu tư xây dựng Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương có 3 hồ chứa nước rỉ rác của bãi rác, nước rỉ rác và nước của bùn hầm cầu được xử lý tại cụm xử lý nước thải tập trung. Không chỉ xử lý được bùn thải hầm cầu, nhà máy còn xử lý được các chất thải độc hại, công nghiệp và các bùn thải sau xử lý. Với công nghệ tiên tiến, nhà máy xử lý còn có thể tái chế, biến phân hầm cầu thành phụ phẩm trong quá trình sản xuất phân bón. Nâng cao tính hiệu quả và đảm bảo môi trường tốt nhất.
Ngoài ra, Bình Dương cũng đã quan tâm tìm kiếm công nghệ và tập hợp các nhà khoa học tham gia nghiên cứu nhiều đề tài, trong đó có đề tài “nghiên cứu đề xuất giải pháp quản lý hoạt động thu gom vận chuyển và xử lý bùn hầm cầu tại tỉnh Bình Dương”. Đề tài đã nghiên cứu thành công phương án thu gom, vận chuyển và xử lý bùn thải trên địa bàn tỉnh.
Tuy vậy, việc xử lý bùn thải cũng còn gặp nhiều khó khăn do giá thành thu gom, chi phí vận chuyển, chi phí xử lý cao; việc xử lý bùn thải chưa đáp ứng lượng bùn thải ra trên toàn địa bàn… Vì vậy, cộng đồng cần chung tay xử lý bùn thải để giảm thiểu ô nhiễm môi trường như: Hút hầm cầu định kỳ 3-5 năm/lần; không đổ bùn thải bừa bãi; phát hiện, ngăn chặn để xử lý kịp thời các hoạt động đổ bùn không đúng quy định.
Mỗi ngày Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương tiếp nhận khoảng 890 tấn rác thải rắn. Trong đó, khối lượng rác xử lý theo công nghệ làm phân compost là 420 tấn, khối lượng rác chôn lấp hợp vệ sinh khoảng 480 tấn, khối lượng nước rỉ rác và nước thải sinh hoạt hàng ngày được thu gom và xử lý tại các nhà máy của Khu liên hợp là 960 m3/ngày.
|
Nguyễn Nhi