Một số công nghệ xử lý chất thải đang ứng dụng tại Việt Nam (18/12/2016)
Ý thức được điều này, những năm qua, các cấp ngành, các nhà khoa học luôn quan tâm chú trọng và tìm kiếm công nghệ để xử lý chất thải và tận dụng phế thải để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đem lại hiệu quả kinh tế lớn. Xử lý chất thải là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật (khác với sơ chế) để làm giảm, loại bỏ, cô lập, cách ly, thiêu đốt, tiêu hủy, chôn lấp chất thải và các yếu tố có hại trong chất thải. Đồng xử lý chất thải là việc kết hợp một quá trình sản xuất sẵn có để tái chế, xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải trong đó chất thải được sử dụng làm nguyên vật liệu, nhiên liệu thay thế hoặc được xử lý.
Chất thải rắn sinh hoạt thường được xử lý bằng: Công nghệ chế biến phân hữu cơ, đốt, chôn lấp hợp vệ sinh, tái chế và các công nghệ khác thân thiện với môi trường. Đối với chất thải rắn, thường tận dụng để sản xuất phân hữu cơ, các thành phần khó phân hủy sinh học nhưng dễ cháy thì áp dụng phương pháp đốt để giảm thể tích, chất thải xây dựng và các thành phần không cháy được thì đưa đi san nền hoặc chôn lấp trực tiếp ở bãi chôn lấp. Đối với xử lý chất thải nguy hại thì dùng Phương pháp đốt, các phương pháp hóa học và vật lý, các phương pháp sinh học… Một số công nghệ nổi bật như:
Công nghệ xử lý và tái chế rác bằng thủy lực và khí động vừa không gây ô nhiễm môi trường vừa mang lại hiệu quả kinh tế của Kỹ sư Trần Hùng Dũng, bộ môn máy và thiết bị hóa, Khoa Kỹ thuật hóa học Trường Đại học Bách khoa TPHCM. Công nghệ này được tận dụng làm gạch blog, phân vi sinh và dầu FO.
Công nghệ xử lý chất thải rắn (nilon) và cho ra thành phẩm chính là dầu PO và RO, được Nhà máy xử lý chất thải rắn Khánh Sơn, Đà Nẵng ứng dụng. Với công nghệ này, tất cả các rác thải rắn đều được xử lý triệt để và cho ra 3 sản phẩm phục vụ công nghiệp và xây dựng là dầu, than sinh học và gạch blog. Tất cả các sản phẩm này đều được kiểm định chất lượng và được bao tiêu đầu ra.
Được sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay của Chính phủ Phần Lan, Khu Liên hợp xử lý rác thải Nam Bình Dương đã sử dụng công nghệ tận dụng rác thải để sản xuất phân compos, vật liệu xây dựng (chủ yếu là gạch xây dựng truyền thống và gạch con sâu, gạch tự chèn dùng để lát vỉa hè, trang trí nền các công trình xây dựng). Đây là công trình hiện đại và hoạt động hiệu quả nhất hiện nay, vì cùng lúc xử lý 2 loại rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe người dân. Trong thời gian tới, sẽ thực hiện công nghệ để thu gom khí thải từ bãi chôn lấp để xử lý và phát điện, hạn chế khí thải phát tán ra môi trường. Mô hình này đáng được nghiên cứu, nhân rộng không chỉ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà còn có thể áp dụng tại các quốc gia lân cận nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, phát triển đô thị theo hướng bền vững.
Và mới đây, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam cũng đã công bố việc đang áp dụng công nghệ vi sinh trong xử lý chất thải. Một trong những xu hướng phát triển hiện nay là tạo ra các chế phẩm vi sinh vật hay nói cách khác là tuyển chọn những vi sinh vật có đặc tính tốt hơn, dễ dàng thích nghi với môi trường. Xử lý chất thải bằng biện pháp sinh học là bắt chước quá trình phân giải hữu cơ trong tự nhiên: quá trình tự làm sạch. Muốn thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy, ngoài việc tăng cường các điều kiện lên men, cần phải bổ sung các chủng vi sinh vật phù hợp và phân hủy mạnh nguồn các chất cần xử lý. Công nghệ này được thử nghiệm đầu tiên ở nhà máy Chế biến phế thải đô thị Hà Nội và được ứng dụng tại các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt thành phân bón hữu cơ như Nhà máy chế biến phân bón từ chất thải Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), nhà máy xử lý và chế biến chất thải Việt Trì (Phú Thọ)...
Xử lý chất thải, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, từng cá nhân phải nhận thức được trách nhiệm và cùng chung tay bảo vệ môi trường, mới có thể tạo ra chuyển biến tích cực và nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác quản lý chất thải nói riêng, tiến tới từng bước ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường.
Thảo Nhi