Ngành Công Thương: Khoa học, công nghệ là then chốt (27/12/2016)
Hội nghị đã đánh giá, tổng kết kết quả hoạt động khoa học và công nghệ ngành Công Thương giai đoạn 2011-2015 và định hướng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ dự kiến triển khai giai đoạn 2016-2020.
Trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp bình quân luôn ở mức tốt 13,0%/năm; tỷ trọng đóng góp của sản xuất công nghiệp và xây dựng trong tăng trưởng GDP chiếm 42-43%; chuyển dịch cơ cấu sản xuất công nghiệp có sự thay đổi tích cực; một số ngành công nghiệp có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu trong nước, có khả năng cạnh tranh quốc tế, có kim ngạch xuất khẩu khá và đang tiếp tục lớn mạnh. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu thương mại tăng trưởng17,5%/năm. Cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển dịch tích cực, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng và khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ...
Trong những kết quả đạt được của ngành, không thể không nhác đến những đóng góp của khoa học và công nghệ, của đông đảo đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ, công chức, viên chức làm công tác khoa học và công nghệ. Hoạt động khoa học và công nghệ ngành công thương giai đoạn 2011-2015 đã bám sát các yêu cầu, định hướng phát triển của Đảng,
Chính phủ và của ngành, góp phần thực hiện tốt các yêu cầu và mục tiêu phát triển của ngành công thương.
Trong giai đoạn 2016-2020 tới, ngành Công Thương đặt ra mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp bình quân 13%/năm; giá trị gia tăng công nghiệp đạt 7%/năm; tỷ trọng đóng góp của công nghiệp và xây dựng chiếm 42-43% trong GDP cả nước; tăng trưởng xuất khẩu bình quân 11%/năm. Do đó, trong thời gian tới, ngành công thương ưu tiên phát triển và chuyển giao công nghệ đối với các ngành có lợi thế cạnh tranh và công nghệ hiện đại, tiên tiến ở một số lĩnh vực: chế biến nông, lâm, thủy sản; điện tử, viễn thông; năng lượng mới và tái tạo; cơ khí chế tạo và hóa dược; tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển có chọn lọc công nghiệp chế biến, chế tác, công nghiệp công nghệ cao…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, để đạt được mục tiêu này, ngành công thương cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức, cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Thu hút công nghệ từ bên ngoài và chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI đang hoạt động trong nước. Đồng thời, đầu tư phát triển cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo sản phẩm mới, phân tích, kiểm tra, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn sản phẩm. Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển bền vững các lĩnh vực của ngành công thương; từ nghiên cứu phục vụ xây dựng chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp và thương mại, khai thác có hiệu quả các Hiệp định TPP, FTA đã ký kết đến các nghiên cứu phục vụ phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm công nghiệp thuộc các lĩnh vực chuyên ngành như cơ khí, cơ điện tử, thiết bị điện, điện tử và tự động hóa, khai thác và chế biến khoáng sản, hóa chất và công nghệ vật liệu, công nghiệp năng lượng, công nghiệp nhẹ và công nghệ sinh học, hóa dược, công nghiệp môi trường... Đẩy mạnh hoạt động thông tin, thống kê khoa học và công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và sở hữu trí tuệ.
Thu Hương (Nguồn: moit.gov.vn)