Kết hợp bưởi và lô hội chế biến đồ uống (28/02/2017)
Bưởi, tên khoa học là Citrus maxima Merr., Burm. Hoặc Citrus grandis (L.) Osbeck., là loại trái cây được nhiều người ưa thích bởi nó không những có tính giải khát rất tốt mà còn có tác dụng phòng và chữa bệnh. Bưởi có tác dụng chống oxy hóa rất mạnh, giúp làm chậm sự lão hóa và tổn thương của tế bào, bảo vệ tính đàn hồi của mạch máu, ngừa xơ cứng động mạch, gián tiếp chống cao huyết áp và tai biến mạch máu não, giảm nguy cơ suy tim và ung thư. Bưởi còn giúp ăn ngon, kích thích sự tiêu hóa, lợi tiểu và tẩy chất độc, giúp lọc máu, thải những chất bẩn, độc tố ở thận và gan ra ngoài. Nước ép bưởi có tác dụng giảm cân nhanh chóng.
Lô hội hay còn gọi là nha đam có danh pháp khoa học là Alove vera. Trong những thập niên gần đây, các nghiên cứu y khoa trên thế giới đã xác định được phần gel trong suốt được chiết từ lá lô hội có những tác dụng giúp giảm ngứa, sưng đau, đồng thời nó cũng có tác dụng kháng khuẩn và chống nấm, làm tăng việc lưu thông máu ở vùng bị thương, kích thích các nguyên tế bào sợi và tế bào da, có nhiệm vụ làm lành vết thương. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng nước dinh dưỡng lô hội có tác dụng giúp giải độc tố trong đường ruột, trung hòa tính axit trong dạ dày, làm giảm chứng táo bón và loét dạ dày, đồng thời có tác dụng trong việc chữa trị các bệnh viễm nhiễm đường ruột.
Tác giả Trần Thị Định, Nguyễn Thị Nhung, Trần Thị Lan Hương, Đào Thiện, Nguyễn Thị Bích Thủy - Khoa Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đã nghiên cứu ra quy trình chế biến đồ uống từ bưởi và lô hội nhằm đa dạng hóa các sản phẩm nước uống, đặc biệt các loại nước chế biến từ nguyên liệu có chứa các chất có hoạt tính sinh học cao có lợi cho sức khỏe, đồng thời gia tăng giá trị hàng hóa, mở rộng phổ sử dụng cho quả bưởi và lá lô hội.
Chất lượng nguyên liệu là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng và giá thành sản phẩm. Nguyên liệu dùng để chế biến phải có trạng thái, màu sắc và hương vị hấp dẫn, nhưng đồng thời phải là giống được trồng rộng rãi, cho năng suất cáo, giá thành thấp… Những yếu tố này rất được nhóm tác giả quan tâm chọn lựa cho quy trình chế biến đồ uống của mình. Bước đầu nghiên cứu các đã có hiệu quả rất khả quan và quy trình này đã được công bố trên Tạp chí Khoa học và Phát triển.
Trần Phước (tổng hợp)