Xử lý nước thải nhiễm mặn bằng công nghệ vi sinh (28/02/2017)
Trên thế giới, phần lớn các nghiên cứu xử lý nước thải nhiễm mặn bằng phương pháp sinh học đã áp dụng các vi sinh vật ưa mặn và kỹ thuật hiếu khí. Xử lý nước thải nhiễm mặn bằng phương pháp kỵ khí là một tiếp cận mới cần được nghiên cứu chi tiết. Tại Việt Nam, các nhà khoa học ngoài và trong quân đội cũng đã có nghiên cứu về chủ đề này và đã có nhiều nỗ lực đề thu gom và xử lý chất thải và nước thải nhiễm mặn trên một số đảo nói riêng, cũng như xử lý nước thải nhiễm mặn tại một số nhà máy chế biến thủy sản… tuy nhiên, các công trình này có hiệu quả khá thấp, do áp dụng công nghệ chưa phù hợp.
Vì vậy, với mục tiêu phân lập một số chủng vi sinh vật có sẳn tại Việt Nam có khả năng loại bỏ các chất hữu cơ và dinh dưỡng có trong nước thải bị nhiễm mặn, trên cơ sở đó xây dựng và thử nghiệm một số quy trình công nghệ vi sinh có khả năng xử lý nước thải sinh hoạt/chăn nuôi/sản xuất nhiễm mặn một cách hiệu quả. Viện Nhiệt đới môi trường - Viện KH&CN quân sự đã chủ trì thực hiện công trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi sinh để xử lý nước thải hữu cơ nhiễm mặn.
Để thực hiện đề tài này, nhóm tác giả đã khảo sát một số đơn vị, cơ sở sản xuất có thể có nước thải nhiễm nặm, đã lựa chọn được một nhà máy chế biến thủy sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu và lấy mẫu bùn của nước thải có độ mặn từ 2-3 g/l NaCL, từ đó làm giàu và phân lập các vi sinh vật chịu mặn.
Từ các mẫu bùn, nhóm nghiên cứu đã làm giàu nhóm vi sinh vật hiếu khí, kỵ khí và nấm men và thích nghi chúng với độ mặn cao dần từ 5-30 g/l NaCL. Phân lập chủng vi sinh hiếu khí, kỵ khí và khảo sát hình thái thông qua chụp ảnh SEM của các chủng này…
Trên cơ sở phân tích và tổng kết các kết quả nghiên cứu của đề tài ở quy mô phòng thí nghiệm và quy mô pilot đã đề xuất áp dụng một sơ đồ công nghệ sinh học kết hợp tổng quát dùng vi sinh vật ưa mặn/chịu mặn để xử lý nước thải hữu cơ nhiễm mặn bao gồm UASB/UFAF, thiết bị nấm men, nitrit hóa và anammox đồng thời chỉ ra các phương án đơn giản hóa trong những điều kiện cụ thể.
Việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vi sinh để xử lý nước thải hữu cơ nhiễm mặn đã mang lại kết quả tích cực trong việc đã phân lập một số chủng nấm men và vi khuẩn có khả năng phát triển trong môi trường nước mặn và nước thải nhiễm mặn và khảo sát đặc tính hình thái, động học cơ bản của chúng.
Mai Thy (Nguồn: cesti)